Mỗi người chúng ta có thể rất quen thuộc với việc lướt qua các cập nhật Facebook cá nhân và đôi khi tự cảm thấy rằng “cuộc sống của mình có vẻ không được tốt đẹp như của những người khác”.

Những sự “so sánh xã hội” này có thể có liên quan đến nguy cơ cao hơn với suy nhược hay khủng hoàng tinh thần. Một nghiên cứu gần đây đã xác định 5 hành vi truyền thông xã hội có liên quan đến sức khỏe tinh thần của con người.

Kết quả nghiên cứu này được báo cáo tại buổi họp thường niên của Hội Khoa học Thần kinh cuối tháng 5 qua tại San Francisco (Hoa Kỳ).

a fb.jpg
Ảnh minh họa

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia phân tích thông tin từ khoảng 500 sinh viên đại học sử dụng tích cực các mạng truyền thông xã hội như: Facebook, Twitter, Instagram và (hoặc) Snapchat. Khảo sát này tìm hiểu các hành vi trên các mạng truyền thông xã hội và các biểu hiện chính của rối loạn căng thẳng.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng: Lý do chúng ta sử dụng mạng xã hội, dù là để giải tỏa cảm giác buồn chán hay để giải trí, lấy thông tin đều không liên quan đến suy nhược tinh thần nhưng cách chúng ta đang sử dụng truyền thông lại có liên quan đến bất ổn này.

Cụ thể, người tham gia truyền thông xã hội trong trạng thái suy nhược tinh thần có thể làm các điều sau: so sánh bản thân mình với những người mà họ cho là “tốt đẹp hay hạnh phúc hơn mình”; bị nghiện truyền thông xã hội nặng như: cố gắng nhưng không thể giảm việc sử dụng các mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội nhiều đến mức ảnh hưởng xấu đến học hành và công việc;…

Tác giả nghiên cứu thuộc Đại học Texas mong muốn rằng kết quả nghiên cứu này sẽ có thể giúp nâng cao nhận thức về các loại hành vi truyền thông xã hội có liên quan đến khủng hoảng tinh thần “để mọi người có thể thoát ra các hành vi này”.

Trong bất cứ trường hợp nào thì so sánh bản thân mình với người khác và cho rằng “mình không được như người khác” là việc không nên làm. Con người chúng ta có xu hướng thể hiện mình tốt đẹp hơn bản chất của mình và trên mạng xã hội, có khi đó không phải là “con người thực tế” và chúng ta – người tham gia vào các mạng truyền thông xã hội cần nhận thức rõ điều này.

Đây không phải nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu mối liên hệ giữa việc sử dụng truyền thông xã hội và các biểu hiện của suy nhược tinh thần. Một nghiên cứu năm 2012 của Đại học Houston cũng phát hiện rằng thời gian dành cho facebook có liên quan đến các biểu hiện suy nhược.

Một nghiên cứu khác năm 2017 khẳng định: Càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, con người có thể càng có cảm giác bị tách biệt, cô lập. Và việc sử dụng Facebook như cách “hấp thu thông tin thụ động” có thể làm cho sức khỏe tinh thần suy kém đi; trái lại các hình thức tương tác chủ động với người khác lại mang đến những cải thiện đáng kể trong cảm nhận về hạnh phúc.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng phát hiện của họ không có nghĩa là việc sử dụng truyền thông xã hội nhất định là điều xấu. “Hoạt động này có thể không tốt nhưng cũng có thể đem lại sự tương trợ xã hội tốt đẹp và mạng xã hội có thể là ‘một đại lý’ – nơi những người tương đồng nhau có thể kết nối với nhau”. Và điều quan trọng và mấu chốt hơn chính là “mỗi người nên học cách sử dụng công nghệ một cách tốt đẹp hơn là loại bỏ nó ra khỏi cuộc sống”, các chuyên gia nói thêm.

Đức Hòa
(theo Live Science)

Nguồn: Giác Ngộ/Giacngo.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc