“Theo ý chồng, tôi dùng lương lo các việc nhỏ như thuê nhà, chăm con… để anh dồn tiền làm ăn, sau sẽ mua nhà, tậu xe”, chị Chi viết.

Tôi 36 tuổi, đã lập gia đình 9 năm và có hai con. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đi làm tại một tập đoàn công nghệ và có mức lương ổn định. Chồng tôi là người hiền lành, có chuyên môn tốt nhưng không giỏi tính toán. Khi chúng tôi kết hôn, anh rời công ty đang làm, chung với vài bạn thân mở một cơ sở sản xuất và kinh doanh mặt hàng nhựa. Thiếu vốn, ít kinh nghiệm, lại tính tình cả nể, công việc làm ăn của chồng tôi không tốt lắm. Anh nói tôi giúp anh các khoản chi tiêu trong gia đình, để anh tập trung vốn làm ăn, sau này sẽ lo việc lớn là mua nhà, mua xe. Tôi thấy tính vậy cũng ổn nên đồng ý.

Kể từ đó, mọi khoản chi trong gia đình, từ ăn uống, thuê nhà, chăm lo cho hai con, quà biếu nội, ngoại… đều lấy từ ví của tôi. Lương tôi tăng đều, từ mức 3-4 triệu ban đầu, lên dần tới 10 triệu mỗi tháng…  nhưng các khoản chi cũng ngày càng đội lên. Chồng tôi làm ngày làm đêm nhưng vẫn chưa thấy có tiền đưa cho vợ. Mỗi lần tôi hỏi, anh đều lặp lại điệp khúc “Anh còn lo bao việc”.

lam-an-phụ nữ hiện đại-1

                                                                        Ảnh minh họa: Daily Hive
Tuy nhiên, mọi sự khác xa mong đợi. Công ty chồng tôi bị phạt do hoàn thành không đúng giao hẹn, một phần hàng bị trả về vì chưa đạt yêu cầu. Nói chung là lỗ nặng. Cũng bắt đầu từ đây tôi phát hiện hàng loạt các vấn đề trong chuyện làm ăn của chồng. Anh mang tiếng giám đốc công ty nhưng thực quyền không có. Các khoản thu – chi cũng không được rõ ràng nên nội ban bộ quản lý bất đồng. Làm ăn chưa ổn định nhưng công ty anh sẵn sàng vay nợ mua thêm nhiều máy móc mới nên tình hình ngày càng tệ. Có thời điểm, chồng khoe sắp giàu tới nơi vì anh nhận được đơn hàng làm cho công ty nước ngoài lên tới hơn nửa tỷ. Nếu làm tốt đơn hàng đó thì sau này việc đều đều, không vất vả mà doanh thu tốt. Tôi cũng mừng nhưng mặt khác lại lo lắng khi chồng nhờ vay hộ vài chục triệu để anh mua vật tư vì đang đọng vốn ở một đơn hàng khác. Chưa vay tiền ai bao giờ, cuối cùng phần vì tin lời chồng hứa sẽ trả lại trong vòng một tháng, phần thấy anh cũng đang cố gắng  và đặt nhiều kỳ vọng vào hợp đồng này, tôi mượn chú thím mình 50 triệu.

Bản thân tôi vẫn vừa phải lo cho gia đình vừa phải tự xoay trả khoản nợ đã vay cho chồng vì anh năm lần bảy lượt hứa đưa tiền nhưng rồi mất tăm. Sau lần đó, tôi còn dại thêm hai lần nữa đứng ra vay bạn bè giúp chồng rồi lại tự mình đi giải quyết hậu quả. Một lần khác, chồng tôi mời bạn tới nhà ăn cơm, xong bữa thì người kia chìa ra một tờ giấy với nội dung họ cho vợ chồng tôi vay 100 triệu để vực dậy việc làm ăn. Tôi chẳng hiểu chuyện gì nhưng sợ chồng mất mặt nên cũng cầm bút ký.

Tới đầu năm 2013, tôi phát hoảng khi liên tục nhận được những cuộc gọi đòi nợ từ các đối tác làm ăn của chồng. Anh ấy thì tắt máy, biệt tăm cả tuần liền. Tới công ty chồng làm, tôi gặp cảnh tan hoang, các máy móc đang được người ta cẩu đi hết để gán nợ.

Một tuần sau chồng tôi trở về với dáng thất thểu và lúc này tôi mới hiểu rõ mọi chuyện: Công ty đã phá sản, số nợ anh đang phải gánh là hơn 3 tỷ đồng, trong đó có nhiều chỗ vay lãi ngày. Tôi rụng rời tay chân. Suốt một năm sau đó, chồng tôi hầu như không làm ăn gì, lúc lo đi trốn bị truy nợ, khi thì phải đến nhà người ta cạy cục xin giảm lãi. Dần dần, mượn chỗ nọ đắp chỗ kia, những cuộc gọi khủng bố tinh thần tôi từ các chủ nợ của chồng cũng thưa dần nhưng tôi phải đứng ra trả 100 triệu cho người tôi đã ký giấy vay và một số khoản lặt vặt khác của chồng.

Vậy là sau 10 năm đi làm, tôi không tích lũy được một đồng, vẫn ở trong căn nhà thuê lụp xụp, chỉ đủ lo cho con học trường công, chưa từng hỗ trợ được gì cho cha mẹ. Trong khi đó, những đồng nghiệp làm cùng tôi đều đã sắm nhà, xe, cho con học trường tư tốt, đi du lịch một năm vài lần… Chồng tôi giờ đi làm thuê ở xa, tự lo trả các khoản nợ của anh.

Hiện tại, với mức lương gần 15 triệu mỗi tháng, tôi cố gắng chi tiêu gói gọn trong 9 triệu, bao gồm thuê nhà 2 triệu, tiền học cho hai con 2 triệu, 5 triệu còn lại cho các khoản điện nước, xăng xe, ăn uống của ba mẹ con và để dành 6 triệu. Cộng thêm tiền thưởng, một năm tôi cũng tiết kiệm được gần một trăm triệu đồng.

Tôi thực sự đã quá sai lầm khi không hề có kế hoạch cho kinh tế gia đình, hoàn toàn chạy theo những tính toán thiếu thực tế của chồng. Việc tôi ôm hết mọi khoản chi, vay nợ cho anh tưởng như là sự hỗ trợ về tài chính nhưng lại mang đến tác dụng ngược. Có lẽ, nếu tôi cương quyết hơn bằng việc từ đầu đã yêu cầu chồng san sẻ gánh nặng kinh tế, tuyệt đối không vay mượn hộ anh thì chồng tôi đã có trách nhiệm hơn với tài chính gia đình và không lún sâu vào công việc làm ăn kém hiệu quả. Đồng thời, tôi sẽ chủ động hơn về kinh tế và bây giờ thay vì vừa phải lao vào kiếm tiền, nghĩ cách dè sẻn chi tiêu và tiết kiệm, tôi sẽ dành được nhiều thời gian chăm lo cho con cái.

Chuyên viên hoạch định tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê, (TP HCM) cho biết, ông chứng kiến không ít trường hợp một trong hai vợ chồng gặp khó khăn trong chuyện làm ăn kéo theo cả gia đình khốn khổ vì người còn lại hoặc là phụ thuộc hoàn toàn tài chính hoặc dồn hết thu nhập làm vốn, trả nợ cho bạn đời. Để tránh rủi ro này, theo chuyên gia, các gia đình trẻ nên tách bạch rõ giữa khoản tài chính lo cho gia đình và phần vốn đặt vào kinh doanh. Dù trong hoàn cảnh nào cũng cần để riêng ra một khoản quỹ khẩn cấp, bảo hiểm rủi ro để đảm bảo cuộc sống cho con cái lỡ bố mẹ gặp chuyện không may, làm ăn không suôn sẻ.

Vợ chồng cần có mục tiêu kinh tế chung nhưng cũng nên có sự độc lập nhất định để không rơi vào cảnh một người ngã lôi cả nhà lao xuống. Tất nhiên, vì vợ chồng là mối quan hệ tình cảm đặc biệt nên cách thực hiện việc này cũng cần khéo léo để tránh bạn đời cảm thấy mình không được tin tưởng, dễ nảy sinh mâu thuẫn.

 

 

 Theo VNEXPRESS

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc