Biết yêu và quý trọng đồng tiền là điều tốt nhưng để tình cảm đó chi phối, đến mức phải tằn tiện, ngược đãi bản thân và gia đình thì không nên.

Dường như, trở về từ nước ngoài và tỏ ra “sốc” trước độ chịu chơi của người Việt đang là “mốt” nên các bà mẹ Việt kiều đua nhau chia sẻ nhật ký chi tiêu ở “bển” và nhân tiện, khoe khéo mức lương khủng của mình.

Những bài viết có nhan đề kiểu: “Từ Bỉ về, tôi không dám mua trà sữa như sinh viên Việt Nam” hay “Về nước, tôi thấy người Việt tiêu quá nhiều tiền vào việc ăn sáng” luôn thu hút được rất nhiều lượt thích và bình luận. Ở đó, tôi thấy có người tỏ ra xấu hổ vì từng uống một cốc trà sữa 50 ngàn hoặc thi thoảng trót chi trên 30 ngàn cho một bữa sáng.

Đa chiều - Tiết kiệm và tằn tiện
Một so sánh gây tranh cãi được thực hiện từ khảo sát của Bloomberg.

Tuy thích tiết kiệm tiền và chưa bao giờ mất tiền vì những thứ không cần thiết nhưng tôi rất dị ứng với kiểu dạy người khác (nhất là người giàu) cách tiêu tiền như trên. Tính ra, cốc trà sữa dù có giá 50 ngàn cũng chưa phải là xa xỉ phẩm và một bạn sinh viên nếu đi làm thêm, dư sức để uống từ 3 – 4 cốc/tuần.

Dĩ nhiên, một bát phở đùi thêm trứng chần chắc chắn sẽ đắt hơn hai lát bánh mỳ phết mứt dâu. Nhưng có lẽ mới nghe tới mứt dâu, nhiều người Việt đã rùng mình, chưa nói tới chuyện bắt họ ăn món đó cả tháng. Nếu kiếm ra tiền mà không tự cho phép mình ăn gì vào buổi sáng, tôi thà mang tiếng hoang tàn còn hơn.

Tóm lại, biết yêu và quý trọng đồng tiền là điều tốt nhưng để tình cảm đó chi phối, đến mức phải tằn tiện, ngược đãi bản thân và gia đình thì không nên. Vì “em ơi có bao nhiêu 60 năm cuộc đời”?

Theo Ngọc Hà/Nguoiduatin.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc