“Em đang sử dụng loại kem chống nắng của một hãng mỹ phẩm nổi tiếng, nhưng điều em băn khoăn là có phải sử dụng kem chống nắng thì có thể tha hồ phơi nắng mà không sợ bị đen da? Kem chống nắng có SPF 30 thì khả năng bảo vệ da gấp đôi kem có SPF 15 đúng không? Ngoài ra, em muốn hỏi thêm hạn sử dụng của một lọ kem chống nắng là bao lâu? Và có thể sử dụng kem chống nắng toàn thân để thoa lên mặt không?”
Vân Anh (TP.HCM)

Cần sử dụng kem chống nắng

Chào bạn! TS John Ashworth, một chuyên gia da liễu Anh quốc khẳng định: “Rất nhiều người nghĩ rằng cháy nắng một chút không sao. Tuy nhiên, nằm dài dưới nắng mà không có bất kỳ sự bảo vệ nào thì chẳng khác gì bạn hút tới 80 điếu thuốc/ngày”. Hiệu ứng nhà kính khiến tầng ozon mỏng dần, có nơi bị thủng (tầng ozon giống như chiếc dù ngăn chặn hầu hết tia tử ngoại cho trái đất), số lượng người bị ung thư da ngày càng tăng nhanh là những lý do để chúng ta cần đến kem chống nắng. Tuy nhiên suy nghĩ sử dụng kem chống nắng thì có thể tha hồ phơi nắng mà không sợ bị đen da là hoàn toàn sai lầm bởi không có loại kem chống nắng nào có thể bảo vệ các bạn khỏi ánh nắng 100% được. Chị em vẫn thấy làn da của mình sẽ đen hơn một chút nếu phơi nắng lâu, mặc dù các chị đã thoa kem chống nắng.

Chỉ số SPF không tỉ lệ thuận chống tia tử ngoại

Việc bạn hỏi kem chống nắng có SPF 30 thì khả năng bảo vệ da gấp đôi kem có SPF 15 là điều sai hoàn toàn. Bởi khả năng chống tia tử ngoại không tỉ lệ thuận với chỉ số SPF. Kem chống nắng có chỉ số SPF 15 hấp thu tối đa 94% tia tử ngoại, SPF 20 hấp thu tối đa 95%, SPF 30 là 96%, SPF 45 là 97 %, SPF 60 là 98%. SPF từ 30 trở lên thì khả năng hấp thu tia tử ngoại không chênh lệch nhau nhiều. Kem chống nắng SPF thấp (20 – 40) thích hợp dùng cho mặt và những vùng da mỏng. SPF càng cao sẽ cho phép người sử dụng ở dưới ánh nắng lâu hơn. Mỗi đơn vị SPF có khả năng bảo vệ từ 10 đến 15 phút. Ví dụ: bạn  mua 1 sản phẩm kem chống nắng có SPF 30 thì lấy 30 x 10 (hoặc 15) = 300p (hoặc 450p) tương đương với 5 giờ (hoặc tối đa 7.5 giờ) là thời gian bảo vệ da không bị bắt nắng. Sau thời gian này nếu vẫn còn tiếp xúc với ánh nắng bạn nên bôi thêm một lần nữa. Nếu chơi thể thao ra mồ hôi nhiều hoặc khi tắm biển bạn cần bôi lại kem chống nắng sau vài giờ.
BS Nguyễn Việt Thành

 

Bạn nên thoa kem chống nắng 20 phút trước khi ra nắng.

Luôn luôn dùng kem chống nắng có SPF>15

TS John Ashworth (chuyên gia da liễu người Anh) nhấn mạnh: “Tôi nghĩ bất kỳ cái gì mà chỉ số SPF dưới 15 đều vô giá trị. Nếu chỉ dùng một lượng nhỏ vào những ngày nóng thì khả năng bảo vệ càng thấp vì mồ hôi nhanh chóng rửa trôi tất cả. Các chị có thể thấy rõ với SPF dưới 15 thì làn da được bảo vệ rất ít. Bất cứ loại kem chống nắng nào cũng mất từ 20 – 30 phút để hoàn toàn thẩm thấu và tạo ra bức tường ngăn chặn tia tử ngoại (còn gọi là tia cực tím hay tia UV). Để đạt hiệu quả chống nắng tốt nhất, bạn nên thoa kem chống nắng 20 phút trước khi ra nắng.

Hạn sử dụng

Chào bạn, cũng giống như các loại mỹ phẩm khác, hạn sử dụng của một lọ kem chống nắng từ 6 – 8 tháng kể từ ngày mở nắp sản phẩm là quãng thời gian lý tưởng nhất để sử dụng. Thông thường trên các lọ kem chống nắng đều ghi là “có thể thoa lên mặt và những vùng da tiếp xúc với ánh nắng”. Nhưng như các chị đã biết vùng da mặt chúng ta thường mỏng và dễ bị kích ứng, vì thế nên dùng loại chống nắng dành riêng cho mặt do chúng có thêm tinh chất dưỡng da, chỉ số SPF tốt nhất là khoảng 20 – 40. Còn SPF cao hơn 40 thì nên dùng cho các vùng da khác trên cơ thể. Nếu sử dụng sai chỉ số có thể gây kích ứng và dễ nổi mụn. Liều lượng phù hợp nhất để thoa cho toàn bộ mặt là khoảng 2,5g.

Chọn quần áo chống tia tử ngoại (tia cực tím, tia UV)

Vải dệt dày tốt hơn vải dệt thưa. Polyester tốt hơn vải cotton. Màu tối tốt hơn màu sáng. Quần áo khô tốt hơn quần áo ướt. Luôn nhớ đội mũ để bảo vệ mặt và da đầu khỏi tia tử ngoại. Một số loại quần áo được nhuộm hóa chất đặc biệt hấp thụ tia tử ngoại (hóa chất này không màu). Quần áo chỉ được gọi là có khả năng chống nắng (sun-protective) nếu UPF từ 15 – 50.
Thủy Anh (Hà Nội)

 Nguồn: Tạp Chí Thời Trang Trẻ

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc