Phát ban là danh từ chung dân gian nói về tình trạng nổi những nốt đỏ trên da. Tuy nhiên, điều quan trọng là phân biệt các chấm đỏ này là nốt xuất huyết hay là “ban” để xử trí phù hợp.

Khi dùng hai ngón tay ấn căng da ra hai phía, nếu chấm đỏ biến mất đó là phát ban, nếu vẫn còn nguyên thì đó là xuất huyết.

Sốt xuất huyết

Nguyên nhân do muỗi cắn truyền virus vào người, gây sốt cao liên tục kéo dài, có thể có dấu xuất huyết da hoặc chảy máu mũi, rỉ máu chân răng, nôn hoặc đi tiêu ra máu… Nếu thấy bé sốt cao liên tục hơn 48 giờ, có dấu xuất huyết hoặc đột ngột hết sốt mà chân tay lạnh, bé đừ nhiều, nôn ói, đau bụng nhiều… thì phải nhanh chóng đưa bé vào bệnh viện cấp cứu. Khi bé sốt cao, cần cho thuốc hạ sốt, cho uống nhiều nước lọc, nước trái cây… cố gắng cho ăn dù lỏng loãng hơn ngày thường, theo dõi bé thật sát mỗi giờ.

Dollarphotoclub 53574452 copy 560x485 Sốt và phát ban ở trẻ

Sốt phát ban siêu vi

Một số siêu vi gây ra sốt cao vài ngày, có thể kèm ho và sổ mũi nhẹ, sau đó thì giảm sốt và phát ban bắt đầu nổi lên ở cổ, mặt, trên ngực, sau lưng, xuống bụng sau đó lan dần ra tay chân thì trên mặt bắt đầu giảm.

Gia đình cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt, chăm sóc ăn uống cả trong khi bệnh, giữ ấm không để trẻ bị lạnh nhưng không cần kiêng gió kiêng nước tuyệt đối.

Mỗi ngày có thể tắm trẻ một lần (chọn lúc bé giảm sốt giữa các cữ thuốc hạ sốt) với xà bông tắm và nước ấm, tắm nhanh không cho nghịch nước, không bật quạt sau khi tắm. Chú ý giữ làn da trẻ sạch, khô, thoáng bằng cách lau người thường xuyên, mặc đồ dài bằng coton thấm hút mồ hôi, thay quần áo ẩm ướt…

Đưa trẻ đi bác sĩ nếu thấy sốt kéo dài trên 48 giờ hoặc trẻ mệt đừ, phát ban đỏ ra da hoặc có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào như tiêu chảy, thở nhanh bất thường, co giật, khó ngủ, hay giật mình, bỏ ăn…

BS Đào Thị Yến Thủy – TT Dinh dưỡng TP.HCM

 

Nguồn: tapchithoitrangtre.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc