Kinh đô Paris luôn hào nhoáng với những công trình kiến trúc cầu kỳ và hùng vĩ, những cửa hiệu thời trang cao cấp, những khối nhà mặt tiền san sát sang trọng, những con đường lung linh ánh sáng về đêm… Nhưng cũng chính bởi sự hào nhoáng đó, chi phí sinh hoạt ở Paris cũng cực kỳ đắt đỏ đối với những sinh viên và dân nhập cư, những con người đang chọn sống bên trong những căn hộ diện tích chỉ từ 12 – 15m2 mà người ta quen gọi là “nhà studio”.

Nhà studio diện tích nhỏ ở Paris có loại được xây lên từ đầu bằng việc tận dụng những góc chết của các khu căn hộ như chân cầu thang hoặc tầng áp mái. Tuy nhiên dưới áp lực của phát triển dân số nội ô và nhu cầu sống riêng của giới trẻ, nhiều căn hộ to cũng được chủ nhân cải tạo, ngăn lại thành nhiều studio nhỏ để cho thuê với giá dao động từ 400 – 600 euro/tháng.

Chuyển từ căn hộ 148m2 ở khu Nam Sài Gòn sang sống trong căn studio có diện tích nhỏ đúng bằng 1/10 giữa lòng Paris trong hơn một năm qua quả thật là một sự trải nghiệm khá thú vị mà tôi muốn kể cho quý bạn đọc trong dịp xuân về.

Tuy diện tích nhỏ nhưng studio có đầy đủ những tiện ích cơ bản cho một cá nhân hoặc cặp đôi nhờ cách bố trí nội thất hợp lý cũng như có những thiết bị nhỏ gọn được sản xuất riêng cho loại nhà này. Đơn cử trong không gian 14,8m2 của tôi, nổi bật nhất một chiếc giường tầng, bên trên là chỗ ngủ, phía dưới là bàn làm việc kiêm bàn ăn. Cạnh giường là một tủ quần áo, một tủ lạnh, một lò vi sóng và một lò nướng. Vách ngoài tủ áo còn được tôi tận dụng làm giá treo áo khoác. Đối diện giường ngủ là chỗ nấu nướng (gọi thế có lẽ chính xác hơn là “bếp”) có mỗi chiếc lò hồng ngoại mini, bên cạnh đó là một ô cửa sổ nhỏ có ban công nhìn ra ngoài. Khoảng không gian dôi ra ở góc phòng rộng chừng 1,5m2 được tận dụng làm phòng tắm và nhà vệ sinh có bố trí một chiếc lavabo xinh xắn nhỏ bằng 1/3 loại thường thấy ở Việt Nam.

Các khái niệm phong thủy, kiêng cữ, hướng nắng, hướng gió, khu chức năng này phòng chức năng kia… trở nên vô nghĩa vì thế giới phút chốc bỗng dưng bé lại bằng 14,8m2. Trong không gian nhỏ bé ấy, cứ mỗi khi ta xoay người một góc 450 là sẽ được đóng một vai trò khác nhau: một anh sinh viên ngủ nướng trên giường, một nhà nghiên cứu miệt mài bên bàn làm việc, một người nội trợ ngăn nắp trong bếp, một người “tiền sử” trong phòng tắm… Rồi bỗng dưng ta chợt thấy mình đã bị “cưỡng bức” trở thành một minimalist (người theo chủ nghĩa tối giản) từ hồi nào không hay không biết.

Sống tối giản trong một xã hội tiêu dùng châu Âu thật chẳng dễ dàng. Hằng ngày bạn sẽ nhận được hàng trăm e-mail và thư quảng cáo đủ mọi loại sản phẩm đầy cám dỗ. Thế mà cũng thật hay, căn studio 14,8m2 ấy đã giúp tôi thực hành kiểm soát nhu cầu. Bạn phải mua sắm lượng thức ăn trong một tuần sao cho khỏi chất tràn ra ngoài tủ lạnh. Bạn luôn cân nhắc thật kỹ giữa “need” (nhu cầu thật sự) và “want” (sự ham muốn) trước khi quyết định mua chiếc áo thời trang hay đôi giày mới nếu không muốn tủ áo và kệ giày bị quá tải. Bạn phải vét cạn chai dầu gội hoặc tuýp kem đánh răng trước khi muốn bổ sung vào vị trí đó một sản phẩm mới.

Đôi lúc vì không chịu nổi “sự cám dỗ” rước món mới về bạn sẽ tập “cho đi” những món đồ cũ. Những buổi họp chợ trao đổi đồ đạc không sử dụng vì thế mà cũng thường xuyên được tổ chức ở các khu dân cư sau mỗi đợt chuyển mùa. Cảm giác ức chế, bức bối khi phải kềm hãm “want” là có thật nhưng nhờ vậy mỗi lần được sở hữu một món đồ mới cảm giác hạnh phúc luôn thật trọn vẹn! YOLO (You only live once – Bạn chỉ sống một lần)!

Cũng có thể có người cho đó là lối sống khổ hạnh, ép xác hoặc dùng tinh thần AQ để bao biện cho cuộc sống thiếu thốn nơi xứ người. Tuy nhiên, hơn một năm qua đó là một khoảng thời gian tôi cảm nhận sâu sắc hơn nội dung câu chuyện ngụ ngôn về cậu con trai 9 tuổi nhà tỷ phú bị bố đưa về quê để trải nghiệm cuộc sống khổ cực. Nhưng ngược lại với những người bố mong đợi, với cậu bé căn biệt thự sang trọng có hồ bơi của bố không thể nào sánh bằng căn nhà nhỏ với mảnh vườn xanh mướt cạnh bờ sông của những người nhà quê; thành phố toàn những ồn ào và khói bụi chứ làm gì có được những dàn giao hưởng thiên nhiên của côn trùng. Trong nhãn quan của cậu bé, sống không chỉ là quanh quẩn bên trong căn nhà với những vật chất xa hoa mà phải hòa mình trong một không gian rộng lớn hơn có tiếp xúc thiên nhiên, với lòng tốt, có không khí sạch, được thưởng thức thức ăn vật chất và tinh thần tinh khiết.

Tương tự cậu bé, cuộc sống trước kia của tôi trong một căn hộ 148m2 ở Việt Nam là sự thực tế tương phản với hiện tại: tủ lạnh sau một năm nhìn lại toàn thực phẩm đã quá hạn sử dụng, những cái áo chưa mặc quá hai lần và hàng đống thứ mình chưa dùng đến mà chẳng nhớ đã mua lúc nào… Nhưng có lẽ tôi chưa hề được SỐNG: thường xuyên phải say xỉn bởi những cuộc tiếp khách thừa mứa, canh cánh nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm, phải chen chúc trên những con đường kẹt xe đầy khói bụi, thế rồi từ đó ngần ngại bước ra khỏi căn nhà, ngại tiếp xúc với con người xung quanh, tự giam mình trong bốn bức tường xem tivi như một sự hài lòng. Không gian sống lẽ ra rộng lớn hơn thế nhiều nhưng hóa ra chỉ bằng đúng 148m2.

Ngược lại, studio 14,8m2 của tôi giờ đây thật ra chỉ là một góc bé nhỏ trong một không gian sống đúng nghĩa. Căn studio không có sân vườn nhưng mỗi sáng tôi có một khoảng công viên rợp bóng cây xanh để chạy bộ. Căn studio cũng không có chỗ cho tôi để xe hơi (nếu muốn tôi phải thuê thêm) nhưng tôi chẳng cần vì hằng ngày tôi đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng. Tôi không có dàn “home theatre” màn hình vài trăm inch nhưng ngoài thời gian học tập và làm việc tôi có thời gian đi tham quan bảo tàng và các hoạt động nghệ thuật mỗi cuối tuần. Trong nhà chẳng có gì quý giá, tôi có thể bỏ đi du lịch hàng tháng mà chẳng lo mất trộm. Và trên hết, tôi thấy mình được sống, được bằng lòng với cuộc sống trong sự tỉnh táo chứ không do sự hưng phấn của bia rượu. Thế mới thấy, không gian sống to nhỏ nó còn nằm ở thái độ nhìn cuộc sống vậy:

Với cặp đôi, diện tích 15m2 quả thật có hơi bé, lý tưởng nên vào khoảng 35-40m2, khi đó không gian nấu nướng có khoảng cách với khu ngủ và sinh hoạt. Nếu được bố trí thích hợp và kết hợp với lối sống tối giản thì theo tôi nó không hề chật chội như nhiều người nghĩ.

Tết này, giữa trời Paris tôi sẽ không có nhiều bánh tét bánh chưng đến mức phát ngấy, nhưng chắc chắn đó sẽ là những miếng bánh ngon nhất mà tôi từng ăn. Dù sống đơn giản trong studio nhỏ 14,8m2, nhưng tôi tin mình sẽ tìm thấy trong những miếng bánh ấy bao la tình quê hương, những mảnh ruộng xanh rì và hình ảnh người mẹ quê đang ngồi canh bếp lửa hồng.

Sống tối giản với tôi xem ra được nhiều hơn mất: sống chật mà trọn vẹn, ăn ít nhưng là thưởng thức. Hạnh phúc hóa ra cũng chỉ có thế!

Nhà tranh cửa gỗ đời thanh thoát
Không đúng không sai tự tại tâm
– Trần Nhân Tông

 

BÀI & ẢNH LƯƠNG HÀ — TỪ PARIS

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số 1&2.2018

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc