Với một ca phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình, những biến chứng, rủi ro nặng nề hơn so với các ca phẫu thuật khác.

»TÁC DỤNG PHỤ VỚI MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP PHẪU THUẬT

Rủi ro thường gặp là tác dụng phụ với thuốc gây tê, gây mê. Đặc biệt, với những người làm đẹp tiềm ẩn bệnh tim mạch, khi có tác dụng phụ, cơ thể sẽ phản ứng với thuốc, dễ bị sốc thuốc, dẫn đến cao huyết áp và ảnh hưởng đến tim mạch. Vì vậy, trước khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh nhân nên được bác sĩ kiểm tra máu, huyết áp… Nếu trước ca phẫu thuật, bạn vẫn chưa được kiểm tra, nên hỏi bác sĩ. Đồng thời, nên khai báo bệnh sử của mình cho bác sĩ chuẩn bị phẫu thuật.

Rủi ro khi phẫu thuật thẩm mỹ là điều không ai mong muốn
Rủi ro khi phẫu thuật thẩm mỹ là điều không ai mong muốn

 »PHẢN ỨNG ĐÀO THẢI CỦA CƠ THỂ

Bất kỳ ca phẫu thuật thẩm mỹ ở bộ phận nào trên cơ thể cũng có thể dùng vật liệu tự thân. Chẳng hạn, phẫu thuật thẩm mỹ mũi có thể sử dụng từ sụn sườn, sụn vành tai…, phẫu thuật thẩm mỹ ngực có thể sử dụng từ cơ bụng, cơ mông… Tuy nhiên, ca phẫu thuật lấy mô ghép đau đớn, có nhiều nguy cơ và thời gian hậu phẫu lâu hơn phẫu thuật thẩm mỹ mũi. Với những trường hợp dùng vật liệu tương tự từ thân người khác hay vật liệu tương hợp sinh học, chúng cần được kiểm duyệt theo quy trình nghiêm ngặt để loại trừ tính gây kháng thể. Nó có thể gây phản ứng đào thải.

»MỘT VÀI RỦI RO THƯỜNG GẶP KHI PHẪU THUẬT THẨM MỸ

Khi phẫu thuật thẩm mỹ, có thể gặp một số rủi ro, biến chứng như:

– Mắt: Khi phẫu thuật cắt mắt một mí thành hai mí, nếu cắt mí quá to, sẽ thành mắt trợn; nếu cắt mí dưới, sẽ có những biến chứng như mắt nhắm không kín, dễ chảy nước mắt.

– Mũi: Với phẫu thuật nâng mũi, biến chứng hay xảy ra nhất là lộ sống mũi. Khi nâng mũi cao, da ở đây sẽ mỏng, làm lộ sống mũi, thậm chí có thể gây hoại tử da hoặc bị lệch, vẹo sống mũi. Nếu dùng sụn tự thân để nâng mũi, có thể sống mũi sẽ không đều.

– Kéo dài chân: Sau phẫu thuật, người làm đẹp sẽ phải chấp nhận một thời gian dài bị kẹp chân bằng thiết bị chuyên dụng và phải chịu đau đớn thường xuyên tới khi vết thương lành hẳn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị đau nhức khớp gối, khớp cổ chân, đau cơ và thậm chí ảnh hưởng đến thần kinh. Hoặc có bệnh nhân trong quá trình kéo dài xương không thể tự lành, bị nhiễm trùng chân đinh nếu chăm sóc không đúng cách.

– Hút mỡ: Nếu lớp mỡ dưới da bị lấy đi không đều hoặc lớp mỡ nằm sát ngay dưới da cũng bị lấy, chỗ hút mỡ có thể biến dạng thành những vết lồi lõm. Hút quá nhiều khiến mô mỡ còn lại dưới da quá mỏng, trên da sẽ xuất hiện đường rãnh rất sâu. Biến chứng nguy hiểm nhất là tắc mạch do mỡ, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người làm đẹp.

Tư vấn chuyên môn:
TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn
Khoa Tạo hình – Thẩm mỹ
Bệnh viện Đại học Y Dược, TP. HCM
T. Yến

Theo Tạp Chí Sức Khỏe
http://www.khoe24h.vn/tin-tuc/rui-ro-khi-lam-dep-n61506
Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc