“Phương pháp giáo dục Reggio Emilia” không phải một quyển sách giáo dục trẻ thông thường. Đây là bút kí hành trình của cô giáo Louise Boyd Cadwell với tầng tầng lớp lớp kinh nghiệm bên dưới lớp áo ngôn từ dịu dàng sẵn sàng lấy lòng mọi bà mẹ và mọi bậc sư phạm kén chọn nhất.

L.B. Cadwell dành phần đầu quyển sách để thuật lại những trải nghiệm của mình khi thực tập tại một ngôi trường ở Reggio Emilia (Ý). Những trải nghiệm đó đã mang đến cho cô nhiều phương pháp giáo dục quý báu, được gọi là phương pháp Reggio Emilia.

Quyển sách viết: “Đến khoảng chín giờ, khi phụ huynh đã về hết, Marina và Paola tập hợp bọn trẻ lại cho buổi nói chuyện đầu ngày. Chúng ngồi xuống những kệ gỗ khi đồ ăn vặt là những trái lê đã được chuẩn bị sẵn ở trong bếp được mang ra. Marina mở đầu câu chuyện: “Các con kể cho cô nghe cuối tuần của mình thế nào? Ai hái được nhiều hoa đẹp? Các bạn đi chơi những đâu? Clara, con đi chơi những ba ngàu, con có thể kể cho cô và các bạn nghe về chuyến đi lên núi của mình được không? Con thấy gì? Con có mang về cái gì hay ho không?””

Có thể thấy, với phương pháp giáo dục Reggio Emilia, “cô và trò trao đổi, tìm hiểu và chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ khi ở bên nhau. Chẳng có gì phải gấp gáp, không có cảm giác cô giáo phải kiểm soát cuộc nói chuyện. Chỉ có niềm thích thú hân hoan.” Với phương pháp Reggio Emilia, mỗi đứa trẻ cần được đặt trong mối quan hệ tương tác với những đứa trẻ khác. Đó chính là một xã hội thu nhỏ giúp chúng tập quen dần để mai sau chung sống với mọi người trong xã hội rộng lớn hơn. Và các bậc cha mẹ cùng giáo viên chính là người dẫn dắt, nâng đỡ những mối quan hệ đó.

Ở phần sau của cuốn sách, L.B. Cadwell dụng công miêu tả những cách thức áp dụng phương pháp Reggio Emilia vào một ngôi trường ở Mỹ, mà chúng ta có thể dùng để áp dụng ở bất kỳ ngôi trường nào, cũng như ngôi nhà nào trên thế giới.

“Tôi bắt đầu bằng cách dẫn một nhóm năm đến sáu em bốn tuổi ra khỏi lớp và trò chuyện về nhiều chủ đề khác nhau. Những nỗ lực đầu tiên chỉ là thí nghiệm. Bọn trẻ và tôi có lúc thành công và có lúc thất bại. Chúng tôi trao đổi về thú nuôi của lớp, con chuột lang Princess, một bó hoa hướng dương lớn do một phụ huynh tặng. Tôi tìm được phong cách của riêng mình, học hỏi thêm ngày càng nhiều hơn về những câu hỏi phù hợp, làm sao để lập một nhóm có thể suy nghĩ và làm việc tốt nhất với nhau, làm sao để điều chỉnh nhịp độ đối thoại, làm sao để ghi âm, làm sao để lánh mặt cần thiết.”

Không lời lẽ đao to búa lớn, không quy tắc, bí quyết khuôn khổ, “Phương pháp giáo dục Reggio Emilia” chỉ kể về cuộc sống sinh hoạt và “làm việc” thường ngày với các em. Những câu chuyện, những tình tiết đời thường này rất dễ “bắt chước”, dễ áp dụng vào công cuộc nuôi dạy trẻ của chúng ta. Ví dụ, tác giả và đồng nghiệp cho hai cô bé một khối lượng đất sét lớn để chúng làm “Khách sạn Chuột”, quan sát cách chúng thiết kế và thêu dệt câu chuyện về công trình đó. Hai cô bé đã tạo ra một công trình lạ thường và một câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp dựa vào khối đất sét khổng lồ đó cùng với sự giúp đỡ, trân trọng của các thầy cô giáo. Đọc xong câu chuyện về “Khách sạn Chuột”, chúng ta lập tức có thể áp dụng bằng cách trao cho đứa trẻ của mình những vật liệu nghệ thuật (đất sét, màu vẽ, dây kẽm, vải dệt, mảnh ghép,…) để chúng được tự do khám phá, sáng tạo, thể hiện con mắt quan sát và tâm hồn của mình. Sử dụng vật liệu nghệ thuật cũng là một phần cơ bản trong việc giáo dục trẻ bằng phương pháp Reggio Emilia.

Với lối viết đậm tính văn chương, “Phương pháp giáo dục Reggio Emilia” là một quyển sách nên thơ, vui vẻ và nhiều màu sắc. Nếu bạn quan tâm giáo dục trẻ nhưng lại ngại những quyển sách quá nhiều lời khuyên, thì “Phương pháp giáo dục Reggio Emilia” là dành cho bạn. Cuốn sách không khuyên gì cả, nó tự thể hiện cho người đọc thấy và biết phải làm gì.

 

(Nguồn: Nguyễn Dung/ Thaihabooks) 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc