Tại Festival các dân tộc thiểu số ở Prague, Cộng hòa Séc năm nay, 18 trong số 20 thành viên của đoàn Việt Nam là phụ nữ.

Festival các dân tộc thiểu số tại Cộng hòa Séc được tổ chức hằng năm vào những ngày cuối cùng của tháng Năm tại khu phố cổ ở Prague. Năm nào cũng vậy, tà áo dài của phụ nữ Việt luôn trở thành điểm nhấn của lễ hội.

1tinmoitruong(63)

Điệu múa nón do thành viên Câu lạc bộ Hoa Hồng biểu diễn tại Festival.

Chị Vũ Thị Hà, Chủ tịch Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Séc, đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ Hương Việt cho biết các chị em ở Câu lạc bộ Hương Việt và Hoa Hồng được lựa chọn là sứ giả văn hóa Việt Nam tại festival năm nay.

Bên cạnh Hương Việt và Hoa Hồng, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Séc còn có các câu lạc bộ mang những cái tên đầy nữ tính như Âu Cơ, Hương Sen, Mây Trắng… Nhiều cán bộ phụ nữ đồng thời đảm nhận các vị trí quan trọng trong Hội Người Việt Nam, Hội đồng hương, Hội Phật tử, các chi hội ở địa phương. Họ cũng là những hạt nhân nòng cốt tại các sân khấu không chuyên của cộng đồng, trong các hoạt động giao lưu văn hóa.

Chị Trần Thị Phương Thuận, Chủ tịch Câu lạc bộ Hoa Hồng cho biết: “Ở Việt Nam, chúng tôi chỉ đi làm rồi về nhà nấu nướng, giặt giũ cho chồng con. Nhưng tại Séc, chúng tôi ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ còn có thêm một công việc rất quan trọng là giữ gìn tiếng Việt nói riêng và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt nói chung.”

Cách mà các chị đã và đang áp dụng để những đứa con sinh ra và lớn lên trên đất Séc không được quên tiếng mẹ đẻ là quy ước chỉ nói tiếng Việt trong gia đình, đăng ký cho con dự lớp học tiếng Việt, đưa con về nước thăm ông bà hàng năm, mỗi năm một tháng.

Chị Vũ Thị Hà kể: “Ngoài việc rèn con nói tiếng mẹ đẻ thì hằng ngày, tôi chuẩn bị những bữa cơm thuần Việt, hướng dẫn con cách cúng giỗ, khấn vái tổ tiên. Theo tôi, việc đến Niệm Phật đường vào ngày rằm, ngày đầu tháng âm lịch, tham dự các ngày Tết Nguyên Tiêu, lễ Vu Lan, Phật Đản do Hội Phật tử tổ chức cũng là một cách giữ gìn bản sắc Việt.”

Chị Khuất Thị Phương và các chị em trong đội văn nghệ của Câu lạc bộ Hoa Hồng do chị phụ trách lại có cách khác để bảo tồn bản sắc Việt.

Chị cho biết: “Khi còn trẻ, chúng tôi không biết múa. Sang đây bán hàng lâu rồi, ở tuổi bà nội, bà ngoại rồi, chúng tôi mới tập múa. Chân tay không còn mềm mại nhưng tôi và các chị em đều hăng hái. Chúng tôi chọn điệu múa nón vì chỉ cần nhìn thấy chiếc nón, mọi người đều biết chúng tôi là người Việt Nam.”

Bán hàng ở chợ từ 7 giờ sáng đến 8 giờ tối, không có ngày nghỉ, các chị em trong đội văn nghệ Hoa Hồng mượn một phòng bỏ trống ngay trong chợ để tập múa. Kết thúc Festival, các chị lại vội vàng ra chợ, không kịp xem hình ảnh lung linh của mình trên các kênh truyền hình Séc. Tuy nhiên, phần thưởng mà các nghệ sỹ múa không chuyên này nhận được – những tràng pháo tay và tiếng hoan hô của khán giả – giúp họ ngày càng có thêm động lực để giữ gìn, phát huy những nét đẹp của văn hóa Việt trên đất Séc.

Nguồn: Trần Quang Vinh/ Tinmoitruong.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc