Ở nhiều trường học tại Mỹ hiện nay có hiện tượng cha mẹ đến trường để ăn trưa cùng con. Điều này đã phát sinh nhiều tranh luận. Nhà trường thì cho rằng việc này sẽ gây xáo trộn trong việc quản lý học sinh. Còn theo phụ huynh thì sẽ tốt cho họ nếu được dự phần vào sinh hoạt của con cái.

Phòng ăn trưa của trường từ lâu đã hoạt động như một mô hình thu nhỏ của đời sống xã hội. Đó là nơi những đứa trẻ chọn ngồi cùng, phát triển tình bạn và giải quyết xung đột.

Bữa trưa cũng là thời gian mà trẻ cảm thấy ít bị giám sát nhất trong ngày học. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, một số nhà ăn ở trường đã bị xâm nhập bởi một nhóm mới, đó là các phụ huynh, những người quan tâm đến việc con cái mình được cho ăn uống ra sao.

Một chuyên gia giáo dục cho biết, 20 năm trước, khi ông còn học tiểu học, việc một phụ huynh cùng ăn trưa tại bàn với con cái mình ở trường là điều không tưởng. Cha mẹ hoặc người chăm sóc có nhiệm vụ đưa bọn trẻ đến trường vào buổi sáng, để chúng chơi và học hoàn toàn dưới sự kiểm soát của nhà trường.

Thế nhưng gần đây, phụ huynh ngày càng đóng vai trò tích cực hơn trong việc học của con cái họ. Theo một báo cáo từ Child Trends, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, tập trung vào trẻ em và gia đình, sự tham gia của phụ huynh vào trường học đang tăng lên.

Năm 2016, tỷ lệ học sinh có cha mẹ tham dự cuộc họp chung tại trường của con em họ, hội nghị phụ huynh – giáo viên, hoặc một sự kiện ở trường, ở lớp học được ghi nhận ở mức cao nhất.

Tại một số trường học, nhiều phụ huynh xếp hàng chờ đợi để được hướng dẫn vào phòng ăn trưa và ngồi ăn cùng con cái, một số ở tuổi lên 10.

Một khu học chánh ở Darien, Connecticut, đã thấy tại các cửa hàng tự phục vụ bữa ăn trưa có nhiều phụ huynh đến nỗi họ phải tuyên bố cấm hoàn toàn việc phụ huynh ăn trưa cùng con mình. Nhiều phụ huynh bày tỏ sự thất vọng đối với quyết định này.

Tại một số nơi, khi số phụ huynh tham gia cùng con cái họ tại buổi ăn trưa tăng lên, các trường học đã cố gắng sắp xếp để đáp ứng yêu cầu này. Hầu hết các trường đều coi trọng sự tham gia của phụ huynh, nhưng tại một thời điểm nhất định, việc này có thể gây rắc rối.

Một giáo viên trung học ở Connecticut, cho biết cô không nghĩ bữa trưa của phụ huynh – học sinh là một điều xấu, nhưng cô đã thấy việc này gây ra một số vấn đề trong quá khứ.

Phụ huynh sẽ mang bánh pizza cho con cái họ và vài bạn bè thân thiết của chúng, trong khi các học sinh khác thì không có. Phòng ăn sẽ trở nên nhốn nháo, thay vì chỉ là một bữa trưa ngọt ngào giữa mẹ và bé như mong đợi.

Một số học sinh, đặc biệt là trẻ nhỏ, bắt đầu khóc khi mẹ hoặc bố chúng ra về sau bữa trưa. Những đứa trẻ khác mà cha mẹ không thể đến ăn cùng chúng (có thể vì họ đang làm việc) có thể có cảm giác bị bỏ rơi.

Các học khu đã cố gắng ngăn chặn những vấn đề này bằng cách buộc phụ huynh chỉ ngồi với con cái của họ, đôi khi trong các phòng hoặc khu vực riêng biệt.

Trường Trung học Rogers ở Texas thậm chí còn tạo cơ hội cho phụ huynh và học sinh dùng bữa tại một quán ăn nhỏ, với những chiếc ghế trông lạ mắt để tránh rắc rối ở phòng ăn trưa.

 

Nhưng theo Katelin Chiarella, giáo viên THCS ở Hayward, California, các trường học không thể ngăn cản xu hướng các bữa trưa gia đình. Một số phụ huynh đến và cho trẻ ăn bằng thìa, mặc dù những học sinh này không cần phải đút cho ăn nữa.

Một số phụ huynh mang bữa trưa nấu ở nhà cho con cái họ. Có ít nhất bảy hoặc tám phụ huynh mỗi ngày trong phòng ăn trưa của trường. Nhà trường đã cố gắng cắt giảm con số đó, nhưng không thành công.

Những phụ huynh ăn cùng con nói rằng, bữa trưa gia đình mang tính tích cực. Theo họ, các trường học nên khuyến khích phụ huynh để họ trở nên năng động hơn và tham gia vào đời sống học đường của con cái họ. Sarah McSpadden, một phụ huynh cho biết, ăn trưa với con gái lớp ba và bạn bè của nó đã giúp cô thấu hiểu hơn về sinh hoạt của con ở trường.

“Bạn có thể thấy những gì chúng đang ăn, không ăn, xem đứa nào đang ném thức ăn, nói quá to, trẻ nào đang ngồi một mình. Đó là cơ hội để tìm hiểu ngày học của con bạn mà nếu không ăn trưa với chúng, bạn sẽ không hiểu được”, Sarah nói.

Shamaila Quddusi Jairaj-puri, mẹ của một học sinh lớp 2 ở Alameda, California, nói rằng nếu cô không mang thực phẩm nóng ở nhà nấu cho cậu con trai thì nó không chịu ăn thức ăn của nhà trường. Nhưng nếu để nó mang theo đến trường thì đến bữa trưa thức ăn sẽ bị lạnh…

Chị nói: “Con tôi rất kén ăn. Nó thường đói bụng vào buổi sáng. Tôi luôn cảm thấy lo lắng khi thấy nó không ăn gì. Nếu tôi có mặt ở trường, tôi sẽ dỗ cho nó ăn”.

Trong khi những đứa trẻ học tiểu học vui sướng khi có cha mẹ ở trường, đặc biệt khi họ mang thực phẩm đến, thì học sinh trung học cảm thấy xấu hổ vì điều này. McSpadden cho biết, chị không bao giờ đến ăn trưa với con khi chúng học lớp 9 hay lớp 11. Ở trung học, những đứa trẻ muốn được độc lập nhiều hơn.

Giáo viên trung học ở Connecticut cho rằng, mặc dù cảm thấy bối rối khi dứt ra những gì được cho là thời gian quý báu ở với con cái, nhưng điều quan trọng là các phụ huynh cần nhớ các trường học đã dành cho trẻ sự quan tâm sâu sắc.

“Tôi biết điều này vì đã làm công tác giáo dục trong suốt 12 năm. Trách nhiệm của nhà trường là chăm sóc học sinh khi chúng ở trường và dành cho học sinh sự lựa chọn tốt nhất”, cô nói.

Nhưng David Frankel, một nhà doanh nghiệp ở North Carolina thường cố gắng sắp xếp ăn trưa với hai con, một học lớp mẫu giáo và một học lớp 4, ít nhất 15 phút mỗi lần ở trường. Anh cho biết, trường học nên khuyến khích phụ huynh tham gia nhiều hơn nữa, chứ không nên ngăn cản.

“Ngày nay, hầu hết phụ huynh đều đi làm việc, thật khó có thời gian bên con cái. Sau ngày học, họ phải đánh vật với bài tập về nhà cùng con. Đôi khi bữa ăn trưa là thời gian thích hợp cho cha mẹ và con cái trao đổi”. Điều này là có thật, nhưng Frankel cũng thừa nhận rằng, các học khu đang tìm cách phá vỡ sự cân bằng tinh tế này, với lý do nếu thời gian ăn trưa của trường trở thành thời gian đặc trưng cho trẻ và gia đình, nó không còn là nơi cho chúng học cách tương tác với bạn bè mà không chịu sự giám sát của cha mẹ.

 

Theo Minh Thư 
Theatlantic/ Giáo Dục Thời Đại 

TIN LIÊN QUAN

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc