Trong 2 tháng qua, cơ quan thanh tra và quản lý báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông đã thẳng tay xử phạt nhiều báo giấy, báo điện tử và trang thông tin điện tử, với số tiền hàng trăm triệu đồng… Có những website đã bị đình bản, bị tước giấy phép và chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, làm rõ những sai phạm có hệ thống của họ.

Cũng từ đầu năm tới nay, cơ quan Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt hàng chục cơ quan báo chí, với số tiền lên đến hơn 1 tỉ đồng.

Hoan hô lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra tay quyết liệt – quyết liệt chưa từng có, trong khoảng thời gian… vài chục năm trở lại đây, nhằm lập lại trật tự đang hỗn loạn trên thị trường báo chí và truyền thông.

Đây có thể nói là hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông “tuyên chiến” với nạn “báo đen, web đen”; và Bộ đang cố “cứu” nền báo chí nước nhà, cứu sự sa sút về văn hóa của người Việt.

Sai phạm của các đơn vị truyền thông này là gì?

Chủ yếu là đăng tải những hình ảnh bậy bạ, trái với thuần phong mỹ tục, phản cảm; rồi là xúc phạm danh nhân; xuyên tạc sự thật lịch sử; xâm phạm đời tư công dân… Ấy là chưa kể không ít trang còn chuyên sống bằng nghề chôm chỉa bài của người khác, rồi “mông má, cắt dán, xào xáo” bài từ những tờ báo chính thống.

Và bi kịch cho nền văn hóa nước nhà ấy là: website nào càng lắm hình ảnh 3S – Sex, Sốc, Sến – thì lại càng đông người đọc. Và nếu càng lắm view thì lại càng thu được tiền quảng cáo. Trường hợp này cũng giống như những “ngôi sao” trong giới showbiz, càng phản văn hóa, càng gây scandal, thậm chí càng mất dạy thì lại càng có… người xem.

Và cũng kỳ lạ, chẳng ở đâu như ở nước ta, hễ thấy cái gì in trên báo, phát trên truyền hình, trên Internet… thì coi đó là thông tin chính thống, có “định hướng của Đảng”. Thậm chí, rất nhiều cơ quan Nhà nước hẳn hoi cũng không biết phân biệt cơ quan báo chí là thế nào và các website tổng hợp là thế nào? Và thế là khi điểm báo cho lãnh đạo, họ nhặt nhạnh tất cả thông tin từ những website chuyên về 3S đưa vào. Và thế là nghiễm nhiên các loại website 3S cũng được “coi” như cơ quan báo chí, cũng có phóng viên xông đến các hội nghị… Gần đây tuy nạn này đã giảm, nhưng vẫn có “phóng viên” hoạt động lén lút.

Cứ bảo dân trí nước ta cao, nhưng nhìn lại văn hóa đọc, nhìn lại sự tung hoành của các “website 3S” thì thấy rõ là văn hóa người Việt đang lệch chuẩn và xuống cấp. Dĩ nhiên, một khi đã xuống cấp về văn hóa thì kéo theo là sự xuống cấp về đạo đức, về nhân cách con người…

Sự lệch chuẩn này do đâu mà có?

Trước hết là do một thời gian dài, rất dài, dài… hàng chục năm rồi… các cơ quan có trách nhiệm quản lý văn hóa nước nhà đã buông lỏng quản lý và không định hướng được sự phát triển văn hóa cho người Việt trong bối cảnh chúng ta chuyển đổi mô hình kinh tế, từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặc dù Đảng, Chính phủ có nhiều chỉ thị, nghị quyết về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Nhưng sòng phẳng mà nói thì Nghị quyết của Đảng đã bị vô hiệu hóa bởi chính sự yếu kém của nhiều cơ quan chức năng có chức năng quản lý văn hóa từ Trung ương xuống địa phương.

Người ta đã quá coi nhẹ chức năng “khai sáng, giáo dục” của văn hóa, mà lại chú trọng vào “giải trí, mua vui” của văn hóa, truyền thông.

Người ta thiên về giáo dục xuông, hô hào khẩu hiệu và mong chờ sự tự giác chấp hành của những người hoạt động văn hóa.

Còn các quy định về quản lý văn hóa, các chế tài xử phạt thì lại rất nhẹ, không đủ sức răn đe, hoặc bị chính những người có trách nhiệm đã dung túng cho những kẻ làm bậy, thậm chí còn “tạo điều kiện” cho sự nhảm nhí phát triển.

Không thể hiểu được là một gã diễn viên bị bắt vì tội nghiện hút và buôn bán ma túy, vậy mà sau khi ra tù lại đàng hoàng xuất hiện trên sóng truyền hình?

Không thể hiểu được một ả diễn viên đóng phim sex, cũng lại ngang nhiên xuất hiện trên nhiều tờ báo, có mặt ở nhiều sàn diễn và lại… đông người xem?

Không thể hiểu được có những tờ báo rặt đâm, chém, giết, cướp, hiếp, rặt 4T – Tình, Tiền, Tù, Tội… mặc dù được nhắc nhở “như hát hay”, nhưng vẫn tồn tại?

Không thể hiểu được một công ty truyền thông như “gã” Cát Tiên Sa, sai phạm đầy rẫy, nhưng vẫn chiếm sóng truyền hình? Phải chăng chúng ta đang ở thời buổi “nén bạc đâm toạc… màn hình”.

Không thể hiểu được là tại sao lại có những cơ quan báo chí mà số tờ phụ lại có quá nhiều và chủ đề thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ là 3S và 4T vẫn ngang nhiên phát hành.

Không thể hiểu được văn hóa đọc của người Việt đang ở cái “đoạn” nào, khi mà trên sạp báo, chỉ rặt những tờ phụ san, phụ trương 3S, 4T… Còn những tờ báo chính trị, những tờ báo nghiêm ngắn, tử tế thì “lui vào phát hành bí mật”?

Chúng ta không cho phép xuất bản báo tư nhân (rất may là không cho đấy, chứ nếu cho thì bây giờ có mà… đại loạn!), nhưng vẫn không ít cơ quan báo chí ra các số phụ san, phụ trương rồi bán cái cho tư nhân. Chuyện này, dân làng báo biết rõ mười mươi và anh em phóng viên có thể chỉ ra vanh vách rằng, “tờ này là của thằng nào?”.

Rất nhiều, rất nhiều ví dụ.

Vài năm trước, trong một lần tâm sự với một vị lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, khi nói về sự xuống dốc không phanh của báo in, ông thở dài và bảo: “Khổ lắm, rất nhiều cơ quan xin ra báo. Và tôn chỉ mục đích thì ông nào cũng hay, cũng đầy lý lẽ và ông nào cũng cam kết là có đủ nguồn lực tài chính để nuôi báo, là tạo điều kiện tốt nhất cho báo phát triển. Nhưng rồi có mấy cơ quan chủ quản nuôi được báo chí cho tử tế đâu? Thậm chí, còn bắt cơ quan báo chí phải kiếm tiền nộp cho cơ quan chủ quản. “Đói thì đầu gối phải bò” – phóng viên thì phải lo chạy vạy kiếm quảng cáo, rồi thế là sinh ra viết đâm thuê chém mướn, rồi xin ra phụ san, đặc san… để với mục đích kiếm thêm tiền nuôi tờ báo chính. Không cấp phép thì cũng tội anh em, vì hầu hết có ai muốn thế đâu… Nhưng nếu không có thì sống sao đây”?!

Tâm sự của ông rất thật, rất day dứt.

Đúng là như vậy. Báo chí – mà nhất là báo in đang “giãy chết” từ khoảng gần 5 năm nay! Hầu như không còn có tờ báo nào có thể sống bằng lượng phát hành của mình mà buộc phải sống bằng quảng cáo, bằng bài PR… hoặc bằng cơ chế phát hành kiểu “ấn… phẩm”?

Chính vì vậy, mới có việc ra đời hàng loạt số phụ san, phụ trương với mục đích giúp cho báo (chính) có thêm nguồn thu.

Nhưng khổ một nỗi, để bán được báo thì phải làm lá cải? Phải đánh vào thị hiếu thấp của người đọc. Và để kiếm được quảng cáo trên báo điện tử thì phải nghĩ mưu, nghĩ kế câu view, mà cách câu dễ nhất là làm càng rẻ tiền, càng dung tục càng tốt.

Và thế là môi trường văn hóa đã bị đầu độc.

Đúng là có những “thằng con” sinh ra để nuôi “thằng bố”. Trong làng báo đã có nhiều “thằng con” tiếng tăm lẫy lừng, đến nỗi lấn át cả “bố”, ví như tờ An ninh thế giới…

Khởi thủy, “thằng con” phụ san An ninh thế giới được sinh ra để kiếm thêm thu nhập cho đội quân làm Tạp chí Văn nghệ Công an. Nhưng rồi khi số lượng phát hành lớn quá, có những lúc lên tới 720 ngàn bản (một kỷ lục về phát hành của báo chí Việt Nam) và ảnh hưởng xã hội rất rộng thì cơ quan chủ quản quyết định đưa “thằng con” lên làm “bố” và bắt “thằng bố” xuống làm “con” – nghĩa là Báo An ninh thế giới, có phụ san là Tạp chí Văn nghệ Công an.

Nhưng “thằng con” tử tế như kiểu An ninh thế giới ấy, bây giờ hầu như đã “tuyệt chủng”, mà đa phần những “thằng con” kiếm được tiền nuôi “bố” hiện nay là loại “con” chỉ giỏi nghề… đâm, cướp, giết, hiếp!!!

Thực tế cho thấy, ở xã hội ta hiện nay, do buông lỏng quản lý ở hầu hết các lĩnh vực, do kỷ cương, phép nước thực hiện không nghiêm trong thời gian quá dài, vì thế dẫn đến sự coi nhờn luật pháp… Chúng ta cứ nói là phải xây dựng một Nhà nước pháp quyền và đó là mục tiêu phấn đấu. Nhưng nếu không có một sự cứng rắn cần thiết để buộc mọi người phải chấp hành luật pháp thì không bao giờ tạo được ý thức…

Môi trường văn hóa lành mạnh chính là nguồn cội để cho con người phát triển. Và muốn có một môi trường văn hóa lành mạnh thì điều đầu tiên là phải làm trong sạch được đội quân truyền thông.

Như Thổ

Nguồn: Petrotimes.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc