TP. Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên trên cả nước xuất hiện mô hình co-working space – không gian làm việc cộng đồng, kết nối và hỗ trợ các chuyên gia hay người làm nghề tự do nói chung, các dự án khởi nghiệp nói riêng. Đã có co-working space ra đời rồi đóng cửa, và những co-working space khác xuất hiện, nhưng mục đích chung của những người sáng lập không thay đổi, đó là làm sao xây dựng được không gian làm việc cộng đồng chuyên nghiệp đúng nghĩa.
ImageHandlerLarge
“Khởi nghiệp” không gian làm việc cộng đồng cho những người… khởi nghiệp

Có thể hiểu nôm na, co-working space là một bên sẽ thuê mặt bằng, sau đấy chia mặt bằng thành nhiều khu làm việc và cho thuê lại. The Start Center for Entrepreneurs là co-working space đầu tiên ở Việt Nam được sáng lập bởi hai người bạn trẻ. Nguyễn Đức Hải, một trong hai người sáng lập, cho biết: The Start Center ra đời nhằm cung cấp không gian làm việc sáng tạo và hỗ trợ lẫn nhau dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup); tạo không khí hợp tác, khuyến khích chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm startup. Địa chỉ này ra đời từ hoàn cảnh chính bản thân Hải cần tìm chỗ làm việc cho dự án startup của mình vào thời điểm đấy, khi mà ngân sách rất thấp, không tìm được chỗ thuê phù hợp về giá cả cũng như không gian làm việc. 

Sau đó, nhiều mô hình co-working space khác xuất hiện, TP.HCM được xem như là thị trường “sôi động” hơn cả so với mặt bằng chung cả nước. Có thể kể  đến The Star Center, Saigon Hub, Gekkospace, WS,… trong đó, có cái xuất phát từ nhu cầu khởi nghiệp của bản thân, có cái vì lợi ích kinh doanh, nắm bắt được một thị trường “tiềm năng” phía trước. Lê Tuân, người xây dựng nên WS (viết tắt theo yêu cầu của chủ không gian) cho biết: bản thân làm các dự án sáng tạo liên quan đến nội thất, truyền thông, nhưng chưa tìm được môi trường nào phù hợp cho những người sáng tạo. Quán cà phê bình thường thì ồn ào, văn phòng thì buồn chán, ở nhà lại mất tập trung. Không nơi nào cho hiệu suất sáng tạo cao. Vì vậy WS ra đời, là cho chính Tuân và những người như mình! Còn với Phan Đình Tuấn Anh, người sáng lập Gekkospace (đã ngừng hoạt động), lí do anh mở ra không gian này là vì “kinh tế khủng hoảng kéo dài, buộc tất cả đều phải tìm cách cắt giảm chi phí, từ đó có cơ hội tìm hiểu về kinh tế chia sẻ (sharing economy), và co-working space là một mô hình của xu hướng kinh tế này”. Những co-working space tạo nên một hệ thống hỗ trợ cho các startup về tinh thần, địa điểm và tương tác với những đối tác khác về mặt ý tưởng, cơ hội hợp tác, nhân sự; và đưa văn hóa chia sẻ vào cộng đồng khởi nghiệp,… 

Tọa lạc trong một biệt thự 400m2 , WS hiện có 10 nhân viên, 13 người thuê không gian làm việc và hai công ty khởi nghiệp. Những người thuê cố định tại đây tạo nên cộng đồng chính; còn những khách vãng lai tạo nên sự đa dạng, sống động. 

Nhìn nhận co-working space là một môi trường kinh doanh, WS cũng vậy, nhưng vì “cái mà WS kinh doanh là cộng đồng”, nên Lê Tuân cho biết, WS muốn cộng đồng mình phát triển với những thành viên thật sự phù hợp, những người đến đây vì được giới thiệu qua bạn bè. “Co-working space ở nước ngoài khá phổ biến nên những người đến đó vì đúng mục đích, còn ở Việt Nam khá mới nên có nhiều bạn đến WS với những kì vọng mà chúng tôi không đáp ứng được”, Tuân nói. 

Còn nhiều rủi ro
Lê Tuân chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay mà WS đang đối mặt là “phải cho khách hàng thấy được giá trị của một co-working space và sẵn sàng trả tiền mua những giá trị ấy”. WS kết hợp giữa co-working space, cà phê và trung tâm đào tạo để có lượng khách khá ổn định (gồm khách uống cà phê, khách thuê không gian và học viên). “Đây cũng là khó khăn chung cho co-working space trên toàn thế giới”, Lê Tuân nói. 
Ngoài ra, để có kinh phí duy trì hoạt động, WS tổ chức các sự kiện kết nối các startup có thu phí, có tài trợ, hoặc có nguồn thu từ việc bán thức ăn, đồ uống… Nhưng làm co-working space cho các startup cũng lắm đau thương. Bài học mà WS nằm lòng là phải yêu cầu đối tác tổ chức sự kiện nộp tiền đặt cọc, vì đã có hai trường hợp, một là không trả tiền, hai là hủy sát ngày diễn ra sự kiện, khiến WS phải chịu toàn bộ chi phí… 
Trong thực tế co-working space còn mới mẻ với Việt Nam, nhiều không gian như Saigon Hub, Gekkospace,… ở TP.HCM phải đóng cửa chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động. Phan Đình Tuấn Anh, từ trải nghiệm làm Gekkospace, cho biết, chủ yếu vẫn phải dựa vào tài trợ cá nhân. Đây cũng là hướng chung giải quyết khó khăn của nhiều co-working space khác. Cũng vì vậy, theo Tuấn Anh, không gian làm việc phải được thiết kế theo hướng tinh giản, còn các hoạt động hỗ trợ về tiếp cận vốn, kiến thức… cho cộng đồng/người sử dụng phải sôi nổi là hai yếu tố rất quan trọng để tổ chức vận hành, hoạt động hiệu quả. Tuấn Anh còn cho rằng, co-working space đến nay vẫn là một thị trường có quá nhiều rủi ro, người mở co-working phải ký hợp đồng thuê mặt bằng dài hạn, nhưng cho thuê lại theo hợp đồng ngắn hạn, nên về lâu dài khó có thể tăng trưởng bền vững, vì vậy đến nay vẫn chưa có một mô hình nào có lãi. Đây chính là lí do khiến Tuấn Anh quyết định đóng cửa Gekkospace, chuyển sang làm dự án khác. 
Đánh giá chung về thị trường co-working space TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung, các “tay” thủ lĩnh đều nhìn nhận: không chỉ ở Việt Nam mà nhìn ra cả Đông Nam Á, co-working space vẫn còn  sơ khai, chỉ dừng ở mức tổ chức sự kiện, có tác dụng tiết kiệm chi phí mặt bằng; và phù hợp với những người vừa học vừa làm. 
Ngoài ra, một rào cản lớn khác của mô hình này là “văn hóa khởi nghiệp Việt Nam có vẻ còn mang tính đố kị”. Theo Nguyễn Đức Hải, đó là do văn hoá Á Đông thường không thích chia sẻ các ý tưởng kinh doanh, ngại chia sẻ không gian làm việc với người lạ, ngại nghe phản biện. Có lẽ vì vậy cho đến nay, co-working space ở Việt Nam vẫn chủ yếu “phù hợp” với công ty làm về công nghệ. 
Vậy tiềm năng phát triển co-working space lớn không? Có. Đó là câu trả lời của khá nhiều người sáng lập. Với kế hoạch có thể sẽ quay lại khởi động một co-working space mới vào tháng 6/2015, Nguyễn Đức Hải nhìn nhận: hi vọng 2015 là bước ngoặt cho co-working space Việt Nam, bởi hiện số lượng startup đã nhiều lên, nhu cầu tìm không gian làm việc sáng tạo với chi phí hợp lý sẽ càng cao. Còn Lê Tuân lại đánh giá cụ thể hơn: TP.HCM hiện nay có thể mở thêm một, hai co-working space nữa ở quận 2 cho người nước ngoài hoặc những nơi như Bình Thạnh để phục vụ khách hàng Việt Nam nhiều hơn…
Dừng Gekkospace để phát triển một quỹ đầu tư dành cho các dự án khởi nghiệp, Tuấn Anh cho rằng, một co-working space đúng nghĩa còn cần một hệ sinh thái khởi nghiệp với các cơ chế hỗ trợ hoàn thiện như chương trình cố vấn, nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp, các dịch vụ khác như trao đổi dịch vụ, nhân sự, đào tạo… Với những “tay” làm co-working space, đây không chỉ là nơi đem lại cho người sử dụng một chỗ ngồi mà còn mang các hỗ trợ nói trên cho các dự án khởi nghiệp. Và hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam cần phải phát triển hơn với sự hỗ trợ từ Chính phủ, tài trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm của các công ty công nghệ lớn… 

Theo Tia Sáng
Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc