Tôn Nữ Tường Vy, cô gái 9X vừa nhận học bổng chính phủ Vương quốc Anh Chevening, sẽ học chương trình thạc sĩ giáo dục và phát triển quốc tế tại University College London.

????????????????????????????????????

“Mục tiêu cuộc đời là những điều mà ngày mai có chết cũng phải làm. Bạn đẩy sự việc lên đến tận cùng như vậy là để kiểm soát được cái độ mong muốn của mình với nó mạnh mẽ tới đâu…” – Tôn Nữ Tường Vy.

Cô chính là người sáng lập câu lạc bộ Học thuật Lan toả, với các buổi thảo luận cho giới trẻ về vấn đề hoà bình, xung đột và giáo dục. Đồng thời cô cũng là tác giả của cuốn du ký Bên kia ranh giới xuất bản năm 2017.

– Câu lạc bộ (CLB) Học thuật Lan toả hiện nay hoạt động như thế nào?

– CLB vẫn hoạt động nhưng hướng vào nội bộ nhiều hơn là sinh hoạt mở như ngày trước, vì thời điểm đó CLB được nhiều nơi hỗ trợ địa điểm, trong đó có trường ĐH Hoa Sen. Giờ thì rất vất vả đi tìm chỗ. Hiện tại sinh hoạt thường xuyên vẫn có khoảng 6 – 10 bạn.

– CLB Lan toả đã hoạt động được ba năm. Có khi nào bạn nhìn lại để xem mình đã làm được tới đâu so với mong mỏi không? Để lan toả thật sự, nó cần những yếu tố nào hay nó phải phụ thuộc vào điều gì ở con người như lòng tin, sự tử tế hay ý thức về các giá trị xã hội, v.v. hay là những cái gì khác mà bạn khám phá?

– Trước tiên, sự lan toả này phải phụ thuộc vào nhận thức của từng thành viên trong CLB. Nghĩa là các thành viên có thực sự tự học chưa. Tổ chức chương trình, mình đã là người tìm hiểu trước tiên chưa, hay chỉ mời người ta đến nói, mình nghe là xong. Ba năm qua, chúng tôi liên tục coi lại mình. Có những thời điểm chúng tôi hoạt động chưa được như ý.

Thứ hai là những người lớn mời đến đã ảnh hưởng đến chúng tôi rất nhiều, ví dụ thầy Bùi Văn Nam Sơn. Không chỉ là những gì thầy truyền đạt, mà thái độ của thầy khi trao đổi cũng cho chúng tôi rất nhiều bài học ứng xử. Một số diễn giả rất trẻ nhưng lại nghiên cứu chuyên sâu với tinh thần phản biện nghiêm chỉnh, mạnh mẽ làm chúng tôi “tỉnh” ra hẳn. Ví dụ hôm chúng tôi thảo luận về chữ Nôm, diễn giả hôm đó đã đưa ra chủ đề tranh luận: Sự hình thành chữ Nôm của người Việt thật sự có phải là quá trình “thoát Trung” hay ý nghĩa của nó đã bị bẻ cong, “nâng cao quan điểm” vì chủ nghĩa dân tộc? Nhờ dịp giải quyết câu hỏi này mà chúng tôi đã đưa ra rất nhiều ý kiến khác nhau, học cách bình tĩnh lắng nghe và tập trung để xử lý các quan điểm mâu thuẫn.

– Công việc chính của bạn là gì?

– Hiện tại tôi dạy tiếng Anh tại Friends English Center, nơi tôi đồng thành lập năm 2016. Tôi tự thiết kế chương trình và lồng ghép tri thức về giáo dục, hoà bình, hay cách phản biện như thế nào để hiểu nhau mà không làm tổn thương nhau. Các bạn vừa học tiếng Anh vừa học cách tư duy một sự việc nào đó. Tôi dạy các buổi tối trong tuần.

– Tại sao bạn không làm việc nào có lương hướng ổn định?

– Vì tôi muốn có thời gian tìm học bổng và viết sách. Tôi thích du lịch bụi để tiếp tục hành trình học hỏi của mình, nên không muốn làm công việc ngồi hoài một chỗ. Trước kia tôi từng làm công sở, nhưng đã chủ động nghỉ khi có suất học bổng chương trình vài tháng của một nước nào đó cấp cho mình. Tôi không muốn từ bỏ cơ hội đi ra thế giới.

Sau ba năm đi làm và tích luỹ kiến thức, mối quan hệ trong những chuyến đi học ngắn hạn ở các nước, tôi về Sài Gòn, thành lập CLB Học thuật Lan toả để cùng các bạn trẻ thảo luận về những gì chúng tôi quan tâm. Linh động về thời gian giúp tôi rất nhiều trong việc đi và viết. Viết sách và trò chuyện với giới trẻ chính là cách tôi có thể truyền bá giáo dục về hoà bình.

– Những giá trị nào mà bạn có được và cả mất đi trong hành trình 14 nước trên thế giới? Mỗi lần quay về, bạn lại nhận ra bản thân thế nào?

– Cái tôi mất chính là sự ổn định trong cuộc sống. Ổn định về công việc cũng như tâm lý. Để đậu một chuyến du học, tôi phải ứng tuyển mười lần, nghĩa là rất mất thời gian để chuẩn bị. Nếu đậu, tôi còn phải sắp xếp thời gian và công việc kiếm tiền, vì tôi còn đang phụ giúp cho ba má nữa.

Nhưng cái được đầu tiên là các mối quan hệ. Càng đi càng quen được nhiều người giỏi, có tầm nhìn hơn và tư vấn thêm cho tôi. Thứ hai, tôi được mở rộng tầm mắt về các kiến thức mới, khiến tôi phải tự hỏi, nhìn nhận lại vấn đề nhiều hơn.

Cuối cùng, những chuyến đi làm tôi bớt ảo tưởng về đam mê, và dần tìm ra con đường tôi muốn khai phá. Có anh chị đều là giáo viên nên tôi sống trong môi trường sư phạm từ nhỏ, vì thế tôi đã nghĩ sau này tôi cũng làm trong ngành này. Rồi những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục Việt Nam khiến tôi bức xúc và muốn tìm hiểu về quản lý giáo dục. Nhưng trong chuyến đi nước ngoài lần đầu (Qatar) khi 21 tuổi, tôi đổ vỡ. Tôi thấy mình kém cỏi, muốn làm toàn chuyện to tát mà bản thân lại thiếu kiến thức không chỉ chuyên ngành mà cả xã hội. Và tôi lại bỏ hết để bắt đầu lại từ đầu.

– Bạn đã làm lại từ đầu như thế nào?

– Tôi bắt đầu tự quan sát mình sau mỗi chuyến đi. Ban đầu tôi nghĩ mình thích viết lách, nghiên cứu, dịch thuật, nhưng sau khi tiếp xúc với nhiều người giỏi về nghiên cứu học thuật, tôi thấy mình không đủ kiên nhẫn và phẩm chất cần thiết để tập trung đào sâu vào một thứ trong thời gian dài như họ. Vậy là tôi tham gia nhiều lĩnh vực và quan sát môi trường nào phù hợp với mình hơn. Câu trả lời hiện giờ là giáo dục về hoà bình.

Ngoài ra, tôi lên chiến lược để từng bước đạt học bổng du học toàn phần. Gia đình nghèo nên tôi chỉ nhắm đến học bổng thạc sĩ toàn phần của chính phủ nước ngoài. Do đó, tôi phải tích luỹ kinh nghiệm đi làm, lập dự án cộng đồng ở Sài Gòn và tham gia các chương trình ngắn hạn ở nước ngoài như hội thảo, trường hè, tập huấn. Các chương trình này vừa cho tôi đi miễn phí (sau khi đã cạnh tranh với cả nghìn hay chục nghìn người trên thế giới), vừa là môi trường lý tưởng để trau dồi tiếng Anh, mở rộng kiến thức và mối quan hệ, làm sắc bén thêm khả năng lập luận, phản biện và khiến tôi phát hiện những giải pháp mới hay câu hỏi, băn khoăn mới. Nhờ ba năm “chinh chiến” đó mà các bài luận và cách trả lời phỏng vấn học bổng thạc sĩ của tôi có bề sâu, sắc sảo và hấp dẫn hơn, như tôi kể tôi phát hiện được điều gì về giáo dục khi tôi ăn dầm nằm dề trong trại tị nạn của người Myanmar ở biên giới Myanmar – Thái Lan chẳng hạn. Không phải lý thuyết bạn đọc trên sách báo rồi nói cho họ nghe sẽ khiến bạn khác biệt, mà chính là trải nghiệm và suy nghĩ riêng.

Tôi không có tiền, nhưng lại muốn đi khắp thế giới và sau đó du học. Nhiều người bảo tôi điên, cố chấp. Đôi lúc có quá nhiều khó khăn, đã rất nản, nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua hết. Cho nên nếu bạn muốn du học nhưng gia đình không có tiền và bản thân cũng chưa rõ mình muốn học gì, thì đừng vội. Hãy bắt đầu từ những cơ hội nhỏ với sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ. Một ngày nào đó bạn sẽ nhận được cái gì thực sự quý giá cho mình. Những người ngăn cản, làm nhụt chí bạn, họ có sống giùm cho bạn không?

– Làm thế nào để xác định mục tiêu cuộc đời mình khi vào đời?

– Tôi nghĩ có thể nhớ lại quá khứ có cái gì, hiện tại đang có gì và tương lai muốn cái gì. Có những điều mà ngày mai có chết cũng sẽ làm. Đẩy đến tận cùng như vậy để thấy mong muốn mạnh mẽ tới đâu, nó có đủ mạnh để bạn kiên trì thực hiện và chấp nhận đánh đổi  hay không.

Cụ thể hơn, bạn rà xem loại sách và bài báo nào bạn hay chọn đọc nhiều nhất, vấn đề gì bạn hay chia sẻ hoặc viết lên blog, Facebook nhất, chuyện gì bạn hay tranh luận hăng say với bạn bè nhất, tiếp xúc với người trong lĩnh vực nào bạn thấy thoải mái và đầy cảm hứng nhất. Dù nhiều sự kiện, sở thích rời rạc nhất thời làm rối tung bức tranh về con đường của mình, nhưng cuộc đời kỳ diệu luôn tự đưa ra những “dấu hiệu” thầm lặng nào đó mà bình thường ta không nhận ra. Hãy liên tục trải nghiệm rồi trăn trở, kết nối những gì đã và đang xảy đến với mình. Ta sẽ nhìn ra được một điều gì đó cho bản thân để đi tiếp.

Ngân Hà thực hiện
Theo TGTT

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc