Trước nay, chúng ta nói đến quan hệ “Nhân – Quả” như là một qui luật trong cuộc sống. Đột quỵ, nhìn ở góc độ này, vẫn không sai chút nào.

Một lần, lúc đang ngồi phòng khám dịch vụ thì có hai vợ chồng người bệnh nhân thân quen đến hỏi:

– Bệnh nhân: Bác ơi tôi nghe ông bạn của tôi nói có một loại thuốc chống đột quỵ mà chỉ cần chích có một lần là được, giá khoảng 40 triệu phải không bác? Tôi nghe mà chưa quyết định vì tôi muốn hỏi thăm và nghe ý kiến của bác trước?

– Bác sỹ: Không có đâu bác ơi. Con đảm bảo với bác trên đời này không có bất cứ thuốc nào có thể phòng ngừa đột quỵ với việc uống mỗi 06 – 12 tháng hay chỉ chích một lần cả bác nhé.

– Bệnh nhân: Vậy mà người ta cứ đồn nhau…

– Bác sỹ tiếp: Bác thấy không, người giàu có nhiều tiền nhưng họ vẫn bệnh, vẫn bị đột quỵ. Điều đó chứng tỏ là những gì mình nghe và hiểu biết về phòng chống đột quỵ là chưa đúng rồi.

– Bệnh nhân: Như vậy hổng lẽ đành trời kêu ai nấy dạ sao BS?

Những câu chuyện tương tự như vậy, nghe hoài, nghe hoài mỗi ngày.

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não nói chung có hai dạng: nhồi máu não (chiếm 70 – 80% các trường hợp) và xuất huyết não.

Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, vì sự hiểu biết về bệnh tật còn hạn chế, đặc biệt việc kiểm soát và điều trị tăng huyết áp của người bệnh còn thấp, nên tỉ lệ xuất huyết não do tăng huyết áp chiếm tỉ lệ cao hơn khoảng 30 – 40%. Bên cạnh xuất huyết não do tăng huyết áp, còn một nguyên nhân khác ít gặp hơn và chiếm tỉ lệ thấp hơn là xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não (bẩm sinh), rối loạn đông máu. Phần lớn trường hợp đột quỵ trên lâm sàng là nhồi máu não hay tắc nghẽn mạch máu não.

Vậy nghẽn tắc mạch máu não do đâu? Nghẽn tắc mạch máu có nguyên nhân từ sự hình thành mảng xơ vữa mạch máu trải qua thời gian lâu dài nhiều năm và bị vỡ (chiếm phần lớn các trường hợp), trôi đi xuôi dòng, dẫn đến sự nghẽn tắc các mạch máu nhỏ phía sau. Khi có nghẽn tắc mạch máu não, đột quỵ sẽ xảy ra. Biểu hiện lâm sàng và mức độ nặng nhẹ của bệnh đột quỵ tuỳ thuộc vào vị trí bị tắc nghẽn của mạch máu não. Xơ vữa mạch máu là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh động mạch ngoại biên. Vậy xơ vữa mạch máu do đâu?

Xơ vữa mạch có nhiều nguyên nhân, gồm: nhóm những nguyên nhân không thể điều chỉnh như: tuổi, tiền căn gia đình mắc bệnh lý tim mạch sớm (nam < 55 tuổi, nữ < 65 tuổi), đột biến gen gây rối loạn lipid máu nặng… và nhóm những nguyên nhân có thể điều chỉnh được như: rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, uống nhiều chất có cồn, lối sống ít vận động, béo phì, quá cân, các bệnh lý viêm nhiễm mạn tính như hen/COPD/ hội chứng thận hư… Muốn phòng ngừa đột quỵ do xơ vữa tắc nghẽn mạch máu, chúng ta phải phòng ngừa hay kiểm soát tốt từng yếu tố một vừa kể trên. Có như vậy mới làm chậm sự tiến triển, phòng ngừa, ngăn chặn sự hình thành và nứt vỡ mảng xơ vữa gây nghẽn tắc mạch máu.

Nguyên nhân khác nữa gây tắc nghẽn mạch máu não là do cục huyết khối. Cục huyết khối này được hình thành từ tim (trường hợp rung nhĩ, suy tim nặng, bệnh van tim) hay từ chân (trường hợp huyết khối tĩnh mạch chân kèm thông liên nhĩ). Cục huyết khối này khi theo dòng máu trôi lên mạch máu não và gây nghẽn tắc, từ đó đột quỵ xảy ra.

Như vậy, sau khi chúng ta hiểu được đột quỵ não từ đâu mà ra thì chúng ta cũng thấy: muốn phòng ngừa đột quỵ, cần tầm soát và kiểm soát tốt từng yếu tố nguy cơ của đột quỵ như đã kể trên. Và không thể có thứ thuốc kỳ diệu nào trên đời có thể phòng ngừa đột quỵ bằng cách uống mỗi 06 – 12 tháng hay chích một lần cả. Đột quỵ xuất huyết não sẽ xảy ra nếu chúng ta để huyết áp quá cao. Đột quỵ nhồi máu não sẽ xảy ra nếu chúng ta không điều trị tốt các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch máu và phòng ngừa sự hình thành cục huyết khối từ tim nếu có nguy cơ. QUẢ là đột quỵ, NHÂN là các yếu tố nguy cơ. Có NHÂN ắt có QUẢ. Chúng ta không gieo NHÂN thì QUẢ sẽ không hình thành. Vậy thôi!

BS CKII Nguyễn Quang Trung

Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Hiệu quả trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc