Trang chủ Công viên Mẹ & bé Người viết sách cô đơn

Người viết sách cô đơn

0

Nguyễn Hữu Tài, 36 tuổi, định cư ở Hoa Kỳ năm 2000. Anh tốt nghiệp thạc sĩ ĐH Maryland (UMUC) ngành tài chính kế toán và đang làm quản lý bất động sản tại Landover.

IMG-3839

Nguyễn Hữu Tài, tác giả của “Sài Gòn yêu đi em”, “Cô đơn thẳng đứng” và “Chồm hổm giữa chợ Sài Gòn”

Nhưng sau mười năm gần đây, liên tục, từng năm anh cho ra đời từng cuốn sách của mình. Và cuốn Thiên đường phải không anh, tập truyện ngắn viết về những thân phận người Việt lưu cư ở Mỹ xuất bản vào tháng 10/2017, là tập truyện thứ 9.

Anh tâm sự: “Viết lách, tôi luôn cân bằng giữa công việc và viết. Tôi viết và xem đó là một cách giải toả những mệt mỏi sau một ngày hay một giai đoạn làm công việc tài chính căng thẳng. Tôi viết để chia sẻ những kỷ niệm, ý nghĩ và cả những mối quan hệ với cuộc sống, những chuyến đi khắp nơi chốn của mình”.

 Sự cô đơn của tuổi niên thiếu

Có một câu hát của nhạc sĩ Trần Tiến mà tôi rất thích: “Con người chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn”. Tôi nghĩ về điều đó rất nhiều. Đó là cách mà chúng ta trưởng thành. Nếu con người chỉ suốt ngày ở trong một khung cảnh hào nhoáng và lao liên tục cùng nó thì sẽ không còn thời gian cho riêng mình. Cô đơn là một cách để nhìn nhận lại bản thân đã làm được những gì, và những thứ mình chưa làm được là gì để từ đó mình mới có thể đặt ra những mục tiêu làm việc ở phía trước. Đặc biệt, nỗi cô đơn trên xứ Mỹ nó khác lắm. Giữa Sài Gòn, bạn có thể đi cà phê một mình bất kỳ lúc nào, dòng người qua lại, bận rộn, cùng màu da, ngôn ngữ… nhưng cô đơn xứ Mỹ nó lạ lắm. Nó buồn, và thấm. Nó khiến ta quay ngược vào trong sâu thẳm đến nỗi ta đau đớn vì nó. Nhưng có lẽ chính nhờ những giây phút đó mà tôi cảm thấy mình… mạnh mẽ để vượt qua những thử thách bên ngoài khác.

Khoảng những năm cuối thập niên 1990, những năm 15, 16 tuổi, tôi bắt đầu có cảm giác về sự cô đơn giữa bạn bè chung quanh. Đã nhận biết rõ nét hơn bạn bè, có đứa giàu, đứa nghèo. Một đứa trẻ cỡ 15 tuổi như tôi nhận thấy sự bất công và sự khác biệt của từng thân phận trong xã hội. Gia đình tôi nghèo nên tự nhủ khi thấy một bạn gái cùng lớp giàu có, rằng: “Liệu sau này mình có thể kiếm được nhiều tiền bằng gia đình bạn ấy không?”. Và tôi bắt đầu tìm kiếm đứa bạn thân nhất để tâm sự về nỗi cô đơn của mình giữa thế giới có quá nhiều những thứ để đứa trẻ ước muốn. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, những thử thách của cuộc đời lại càng khiến tôi tự tạo cho mình một thế giới để nhận ra trách nhiệm của mình với cuộc đời. Và thêm một điều nữa, ngay lúc đó, tôi đã nhận ra chính cô đơn đã làm cho tôi ngày càng thấy rõ hơn khao khát được hạnh phúc.

Khi tôi về Sài Gòn, không có nhiều thời gian vì gặp gỡ, công việc, đối tác, bạn bè, v.v. Nhưng có những lúc ở Sài Gòn, ngồi càphê một mình, lại thấy cô đơn kinh khủng, ý nghĩ thoáng qua lúc đó là: hình như cả thế giới đang quay lưng lại với mình. Nhưng cảm giác đó thì thật là… nhẹ nhàng. Nó đem cho mình giây phút được lắng lòng, nhìn lại mình để lấp đầy những khoảng trống.

Thế nên, khi trải qua những năm tháng đó, nhìn lại những quan niệm giáo dục con cái hiện tại, tôi thấy thật sai lầm nếu chỉ vì công việc mà bạn phó mặc con cho iPad, iPhone. Chính cha mẹ đã tạo cho con mình quá nhiều khoảng không gian một mình, và họ cũng đánh mất khả năng tiếp xúc với con cái và bản thân những đứa trẻ thì đánh mất khả năng tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Điều này cũng nguy hiểm như việc ngược lại, có nhiều cha mẹ lại ép buộc con mình, không cho con mình sống với đúng nó, không cho nó một không gian riêng, tước bỏ tự do suy nghĩ của nó về thế giới.

Bất kỳ một đứa trẻ nào cũng cần không gian sống của chính nó, dấu lặng của cuộc đời nó, để trưởng thành.

Tôi nghĩ, cô đơn là điều gì đó rất buồn và đẹp.

Chân Khanh ghi
Theo Thế Giời tiếp Thị 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc