Kìa, Làng cùi Di Linh vẫn cứ như xưa nay. Vẫn treo cả “tiểu đô thị” ấy trên núi đồi, nương theo núi đồi, giữa mùa khô này hay mùa mưa vừa qua, và như bao mùa mưa – khô cũ mòn ở cao nguyên Di Linh trước nữa. Nhiều nóc nhà rải ra, nhấp nhô trên nhiều cung bậc của khu đồi rộng chừng 40 héc ta thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Không hể có sự san bằng hay cải biến địa hình nào ở đây cả. Dựa vào thế đất tự nhiên để cấy nhà, cất nhà, nên những mái nhà như những tổ chim treo trên vách núi. Kiến trúc mượt mà, nhấn nhá, cây cối êm ái, tràn đầy sắc màu của hoa.

(18_resizeSự tinh tế và sạch sẽ cứ thế uốn lượn quanh những con đường, lối đi. Những tổ nhà nhỏ nhắn cho những tiểu gia đình, với thứ kiến trúc đặc sắc riêng là sự biến tấu sâu sắc khi hòa trộn giữa kiến trúc biệt thự kiểu Pháp với nhà sàn của sắc dân K’ho Sêré của cao nguyên Di Linh. Ở chỗ khác nữa, là những khối nhà cho nhóm những người bệnh phong đã giảm tịnh dưỡng. Ngay khu khám chữa bệnh, khu phục hồi thể hình cho bệnh nhân, rồi trường mẫu giáo, nhà ăn cũng chen trong thảo mộc, và cứ lửng lơ giữa núi non.

Và cái giáo đường, nhà nguyện nhỏ với tháp chuông thô mộc là nơi cho cư dân của làng sinh hoạt tâm linh điểm thêm một dấu nhấn thanh tao. Còn ven các sườn đồi, quanh các mái nhà là những mảnh vườn cà phê nho nhỏ rải ra đây đó đang vào mùa trái chín – nơi đang được khá nhiều dân làng canh tác, lao động để kiếm sống và rèn dưỡng sức khỏe. Đến cái nghĩa trang riêng của làng cũng từ tốn ấm áp trong hình dáng, kiến trúc mộ phần, khéo léo trong bố trí.

Nghĩa rằng, làng cùi này là một không gian sống và chết tách biệt, lẻ loi với cộng đồng chung của chúng ta. Tất cả, là một bản giao hưởng của sống và chết, của tình yêu thương, sự lắng nghe, sẻ chia, sóng ngầm và êm ả dưới bóng trời đất này.

(16)_resizeToàn bộ tinh thần của không gian này là bay lên chứ không chùng xuống như số phận người mắc bệnh phong. Luôn đầy nét vui tươi, an lạc tràn đầy. Đạt đến tầm tư tưởng này là điều khó trong kiến trúc. Không gian sống cho những người hẩm hiu, bé mọn, cùng đường, tận đáy cõi người mà chất lượng cứ như “đô thị” cho giới thượng lưu nhiều tiền ở Sài Gòn, Hà Nội ngày nay.
***
Người gần xa trong nước lâu nay vẫn cứ gọi là “Trại cùi” Di Linh, dù gần đây người ta đã treo bảng nơi chân đồi là “Trung tâm điều trị phong Di Linh”. Tên “Trại cùi” giờ đã hóa thân thương, không còn câu nệ ý nghĩa nữa rồi, cứ gọi thế, như một kỷ niệm chưa chết, bởi người bình thường nào rành xứ Di Linh mà không từng muốn ghé đây chơi, vãn cảnh; và đôi trai gái nào ở thị trấn huyện lỵ Di Linh bây giờ ngày cưới nhau mà không muốn đưa không gian tuyệt mỹ này vào ảnh cưới.

Làng cùi này là bài thơ kiến trúc hoàn hảo. Rằng, nó có kịch bản, quy hoạch ngay từ đầu, và những nhát cuốc thi công đầu tiên đã tuân theo mục tiêu mực thước, tử tế đó. Nghĩa là nó có sự “tổ chức không gian”, tồ chức đô thị. Nó là một khu đô thị, như ngày nay ta hay gọi. Khu đô thị giữa rừng hoang, nó “hoang” đúng bản chất mà lúc ban đầu ấy trên bản đồ người Pháp chỉ ghi: “Đất hoang, bộ lạc Mọi”, và hiện trạng cư dân ở đây còn ghi nhận là “Những người Mọi không nói tiếng Việt; Chữ của họ chưa được nghiên cứu”. 1927, nó, Trại cùi/làng cùi Di Linh này ra đời, buổi mà đường lên cao nguyên còn hoang sơ, cách trở, vật liệu xây dựng và điều kiện thi công cực thiếu, khó, và con người còn trong gian khổ.

Vị thừa sai, linh mục Gioan Cassaigne chính là cha đẻ, “kiến trúc sư trưởng” của cái làng côi cút vô danh này (sau này nó được “nổi danh” là vì… “người cùi” ở trong đây, chứ nào ai để ý đến kiến trúc và giá trị kiến trúc của nó làm gì!), và là người sáng lập ra làng.

(15)_resizeHành trình kiến trúc của làng đi từ những nhà bằng tranh ban đầu, rồi xây dần, xây dần, vẫn kiên trì bám theo một kịch bản gốc. Rồi từng bước tìm kiếm được vật liệu lâu bền xi măng, sắt thép và hoàn hảo như đang thấy – sau tám mươi năm. Nên công trình này mang một ý nghĩa kiến trúc lẫn cuộc đời, đậm đặc nhân văn. Bởi thế mà từ những thập niên 40 của thế kỷ trước, hình ảnh Làng cùi Di Linh này đã xuất hiện trên các tờ báo lớn bên Pháp là điều dễ hiểu.
***
Cái làng cùi này giờ vẫn thầm lặng, cơ bản vẫn tách biệt, khác thế giới nhiều màu ngoài kia. Tôi gọi nơi của nó là ngọn đồi đau thương mà “nổi tiếng”. Có gì đâu, bởi nó là nơi quần tụ và thấu hiểu người cùi và bệnh cùi suốt gần thế kỷ nay ở miền Nam này, nơi dung nạp sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam người cùi hủi. Nó thách thức những nhà làm đô thị ngày nay, về sự tinh tế và tính khoa học, nền nếp, cứ luôn hơn bất cứ con phố chốn thị thành nào được thiết kế và quản trị tốt nhất bây giờ. Vì nó hình thành trên sự khốn khó, ít tiền, tiết kiệm, mà vẫn cứ tử tế đến tận cùng. Nhưng dù đẹp về không gian, kiến trúc nó vẫn cứ cô đơn. Nó cô đơn, như chiều sâu bên trong của dân làng ở đây, cho dù họ có ở mọi lứa tuổi, ấu, nhi, bô lão, nam, nữ, thanh niên, và có những gia đình đã trải qua ba bốn thế hệ chung sống và ra đời.

(32c)_resize
***
Đã qua nhiều thành phố, khu phố, đường phố cổ xưa, đến thành phố, khu phố, con phố tân thời, nhưng bao giờ quay về nhìn lại “phố người cùi” này, tôi vẫn thấy nó tử tế tuyệt đối, cho nhiều suy nghĩ về vai trò của kiến thiết, tổ chức không gian sống, không gian tồn tại cho con người. Hình như nó đã vượt qua kiến trúc, nó tích hợp nhiều cung bậc cảm xúc cùng những giá trị khác nữa ở cõi người chúng ta. Thì như giai điệu về người sáng lập ra làng đã chết ngay tại ngôi làng này, chết vì bị cùi do những người cùi ông mang từ xó núi xó rừng về để chữa trị lây sang cho ông, và phần mộ ông giờ vẫn ở lại nơi này.

BÀI & ẢNH: NGUYỄN HÀNG TÌNH

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 12.2016

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc