Trẻ tự kỷ là một trong những đối tượng dễ bị bắt nạt và chịu ảnh hưởng rất lớn bởi sự bắt nạt từ người khác, nhất là từ những người lớn.

Chính vì vậy, cộng đồng, nhà trường và các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm tới vấn đề này.

1. Vào năm 4 tuổi, Chloe – một bé gái ở Mỹ – được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Một năm trước đó, cha mẹ Chloe đăng ký cho em vào học ở một trường mầm non địa phương. Em khá thông minh; đam mê đọc, âm nhạc và nghệ thuật. Mặc dù khó khăn trong quan hệ xã hội nhưng Chloe vẫn hòa nhập với bè bạn. Đôi khi, em trở nên kích động trong lớp học, dẫn tới việc khóc và hét; song Chloe chưa bao giờ hung bạo. Các học sinh cùng lớp cũng không cảm thấy bị Chloe làm phiền. Tuy nhiên, giáo viên đã điện thoại cho bố mẹ Chloe để thông báo nhà trường nhận được lời phàn nàn về Chloe từ ít nhất hai phụ huynh. Những phụ huynh này kể chuyện Chloe hò hét, khóc trong các bữa tiệc sinh nhật và hoạt động ngoại khóa như những bằng chứng rằng Chloe không thuộc về thế giới của trẻ bình thường. Họ coi Chloe là “quấy rầy” cuộc sống học đường của con cái họ. Họ yêu cầu chuyển Chloe đến trường học khác cùng với “những đứa trẻ tương tự”. Gia đình Chloe trở thành chủ đề trong các câu chuyện “buôn dưa lê” của các phụ huynh trong trường. Trước áp lực dư luận, gia đình Chloe nhiều lần đề nghị chuyển trường cho em. Nhưng giáo viên đã đảm bảo rằng có thể quản lý được Chloe và em sẽ kết thúc năm học cùng bè bạn.

 Khi tuyến xe buýt đi học của Chloe thay đổi, người lái xe buýt mới bắt đầu bắt nạt em bằng lời nói. Từ ghế lái, anh ta quát mắng Chloe rằng: “Im mồm”, “Cút khỏi xe buýt”. Từ đó, Chloe không còn muốn đi xe buýt. Em từ chối trị liệu ở trường và giận dữ, gào khóc khi về nhà. Sau nhiều tháng bị bắt nạt, Chloe mới chịu nói cho bố mẹ biết. Cuối cùng, người lái xe bị sa thải. Một lần tới nhà hàng, Chloe gây ồn vì em thấy đói, mệt và bị kích động. Cha mẹ Chloe đã cố giữ cho em trật tự. Chloe bình tĩnh trở lại ngay khi được ăn. Thế nhưng một phụ nữ vẫn tới bàn ăn của gia đình Chloe để nói như ra lệnh: “Hãy nhét cái bịt miệng vào miệng đứa trẻ hỗn xược này và buộc nó im mồm”. Nhiều lần khác ở nơi công cộng, các phụ huynh nhìn chòng chọc vào Chloe và đẩy con cái họ tránh xa Chloe.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ, cứ 59 trẻ em Mỹ thì có 1 em mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Do chứng tự kỷ không phải là khuyết tật nhìn thấy rõ nên mọi người thường coi Chloe có vấn đề về hành vi.           Tất cả những hành động phân biệt đối xử, bắt nạt nhằm vào Chloe đã khiến bà Lauren Robert – Demolaize, mẹ của Chloe, không muốn ra khỏi nhà, không muốn tham dự các buổi tiệc hoặc vui chơi ngoài trời. Khi buộc phải đưa Chloe ra ngoài, bà Lauren thường sớm rời các sự kiện trong nước mắt.

Nạn bắt nạt trẻ tự kỷ - ảnh 1

Trong các hình thức bắt nạt, bắt nạt bằng vũ lực (đánh đấm, đá, đẩy, xô ngã…) gây đau đớn cơ thể trẻ tự kỷ nên thường bị dư luận lên án mạnh mẽ. Tháng 1/2019, Trina Abrams – nữ giáo viên trường tiểu học Wurtland tại tiểu bang Kentucky, Mỹ – đã bị sa thải và bị cảnh sát buộc tội tấn công sau khi một video dài hơn 1 phút đăng tải trên Facebook cho thấy cảnh Trina đẩy, kéo lê thô bạo một đứa trẻ 9 tuổi mắc chứng tự kỷ từ lớp học ra ngoài hành lang. Trong video, người xem nhìn thấy cậu bé tự kỷ bị kéo lê trong tư thế lúc nằm ngửa, lúc quỳ xuống sàn; nghe thấy Trina hỏi: “Mày muốn ra ngoài?”, “Đứng lên”; cậu bé tự kỷ sợ hãi đáp: “Không”. Phát biểu trên tờ USA Today, Angel Nelson – mẹ của cậu bé – cho biết : “Đó là trải nghiệm thực sự tồi tệ với con tôi. Tôi chia sẻ video này lên mạng xã hội để ngăn chặn sự đối xử tương tự có thể tái diễn trong tương lai”.

Theo bà Angel, con bà được chuẩn đoán mắc tự kỷ với rối loạn tăng động giảm chú ý (AHHD), rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), lo lắng, trầm cảm và hạn chế ngôn ngữ.  Năm 2017, dư luận Anh cũng đã hết sức phẫn nộ trước việc Romeo Smith – một cậu bé tự kỷ 9 tuổi ở Mansfield, Nottinghamshire (Anh) – bị một nhóm thiếu niên trêu chọc và ném tấm ván có đinh găm chặt vào đầu khi đang từ nhà bà ngoại trở về nhà.Chloe chính là nạn nhân của hành vi bắt nạt trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ. Bắt nạt (bullying) có thể hiểu là sự đe dọa, đối xử tệ về lời nói, tinh thần và thể chất nhằm vào một người với mục đích làm tổn thương, hoảng sợ, tạo ra cảm giác bị cô lập. Việc bắt nạt trẻ tự kỷ có thể xảy ra dưới nhiều hình thức như: bắt nạt bằng lời nói (nói hay viết những điều độc địa, gồm: Trêu chọc, chửi bới, hay chế nhạo, bình luận xúc phạm…); bắt nạt về mặt xã hội (làm tổn hại đến danh dự hay các mối quan hệ của trẻ, gồm: cố ý ngăn cản trẻ tham gia vào một nhóm, bảo người khác tẩy chay trẻ, rao tin đồn, tạo dư luận xấu…).

2. Nhiều nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra rằng, trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ mắc chứng tự kỷ, có nguy cơ bị bắt nạt cao gấp 2 – 3 lần so với trẻ bình thường. Theo một nghiên cứu do Mạng lưới tự kỷ tương tác Mỹ (IAN) công bố năm 2012, có tới 63% trong tổng số 1.167 trẻ tự kỷ ở độ tuổi từ 6-15 tham gia khảo sát từng bị bắt nạt ít nhất một lần trong đời; khoảng 42-49% trẻ tự kỷ từ lớp 5 – lớp 8 bị bắt nạt ở trường. Những trẻ mắc hội chứng Asperger thuộc nhóm trẻ tự kỷ bị bắt nạt nhiều nhất. Do không hiểu hành vi của người khác và nhận thức sai lầm về bản thân, trẻ tự kỷ thường không biết phản ứng, lên tiếng vạch trần những kẻ bắt nạt.

Những hành vi và đặc điểm khiến trẻ tự kỷ dễ trở thành nạn nhân của sự bắt nạt gồm: sự lóng ngóng, thiếu vệ sinh, nói về một chủ đề mà người khác không hứng thú, không linh động, mất kiểm soát… Đáng buồn là những trẻ tự kỷ muốn tương tác với trẻ khác lại hay bị bắt nạt. Kết quả nghiên cứu của IAN cho thấy có tới 57% trẻ tự kỷ muốn tương tác với trẻ khác bị bắt nạt, trong khi chỉ có 25% trẻ tự kỷ thích chơi một mình bị bắt nạt. Kẻ bắt nạt có thể là bạn học, anh chị em, người lớn nào đó (giáo viên, phụ huynh…) hoặc chính trẻ tự kỷ. Bị bắt nạt khiến trẻ tự kỷ mất đi lòng tự trọng, tự tin và thiếu tập trung; căng thẳng, giận dữ và trở nên thù địch; ảnh hưởng tới sức khỏe như: đau đầu, đau dạ dày, trầm cảm, thậm chí tự sát…; kết quả học tập giảm sút, thậm chí trẻ phải nghỉ học. Ngoài ra, trẻ tự kỷ có thể bắt chước những hành động bắt nạt của người lớn. Trẻ tự kỷ phản ứng tiêu cực, bạo lực là hậu quả từ cảm nhận của bản thân khi bị bắt nạt trước đó.

Nạn bắt nạt trẻ tự kỷ - ảnh 2

Cuối cùng, từ những trải nghiệm của bản thân, bà Lauren Robert – Demolaize cho rằng để chấm dứt sự bắt nạt, các phụ huynh của trẻ bình thường cần làm gương cho con cái về cách đối xử cảm thông, cởi mở, tử tế với trẻ tự kỷ .Theo Hiệp hội chứng tự kỷ ở Anh, nhiều trẻ tự kỷ không nhận thức được mình bị bắt nạt. Do vậy, các bậc phụ huynh cần giảng giải cho trẻ sự khác biệt giữa hành vi thân thiện và hành vi bắt nạt; kỹ năng giao tiếp xã hội để nhận ra người tốt, người xấu; cách phản ứng khi bị đối xử tệ.. . Trẻ tự kỷ cần hiểu khi ai đó làm chúng tổn thương cảm xúc hoặc thể chất thì đó chính là bắt nạt. Phụ huynh nên xây dựng lòng tin với trẻ tự kỷ, đồng thời quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với con một cách kiên nhẫn, nhẹ nhàng. Tuy nhiên, một số trẻ tự kỷ khó nói chuyện trực tiếp. Do đó, cha mẹ có thể sử dụng sổ nhật ký, thư điện tử để giao tiếp với trẻ tự kỷ. Cách thức này đòi hỏi thời gian, song cha mẹ sẽ có được nhiều thông tin hơn về việc con cái họ bị bắt nạt như thế nào. Các phụ huynh có thể xây dựng một bản đồ về môi trường xung quanh trẻ, gồm những nơi an toàn (đánh dấu xanh) và nơi dễ bị bắt nạt (đánh dấu đỏ).

Theo đó, dạy cho trẻ tự kỷ rằng trường học, lớp học và sân chơi được xem là an toàn; trong khi thư viện, hành lang, nhà vệ sinh có thể là những chỗ cần cảnh giác. Khi phát hiện đứa con tự kỷ bị bắt nạt, phụ huynh cần liên hệ với giáo viên để hỏi thêm về những thay đổi hành vi của trẻ, đồng thời cùng bàn bạc với nhà trường cách giải quyết. Trong môi trường học đường, việc đưa ra cách tiếp cận tổng thể chống nạn bắt nạt là hết sức cần thiết. Tất cả học sinh phải được dạy các bài học chống bắt nạt và cùng nhau giúp đỡ những trẻ tự kỷ dễ bị bắt nạt. Tất cả giáo viên, nhân viên nhà trường và học sinh cần nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ để giúp các học sinh tự kỷ hòa nhập tốt hơn.

Thiết kế: Thúy Hà

Theo ngayngay.vn/Võ Duy

https://ngaynay.vn/special-today/nan-bat-nat-tre-tu-ky-143539.html

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc