Đọc quá nhiều sách sẽ khiến bạn bị ảo tưởng về tri thức. Mà sự ảo tưởng về tri thức chính là cản trở lớn nhất của việc khám phá thế giới.

Tôi đã từng là một con mọt sách chính hiệu. Tôi có thể đọc xuyên ngày, xuyên đêm và đắm chìm trong thế giới của những cuốn sách mà quên đi thực tại. Không ngoa mà nói, những kiến thức nền về văn hóa, xã hội, đắc nhân tâm, khởi nghiệp… hay thậm chí cả những câu chuyện ngôn tình lâm li bi đát tôi đều hiểu biết rất rõ.

Là cậu thanh niên không chơi bời lêu lổng, không hề “nổi loạn” như hầu hết các bạn đồng niên, cũng không a dua đua đòi, tìm hiểu những thứ mà cả thế giới đang phát sốt… tôi chỉ có sách là bạn. Và đương nhiên, điều đó khiến cha mẹ tôi vô cùng tự hào.

Khi rời khỏi mái trường phổ thông, tôi chọn học chuyên ngành kinh tế tại một trường đại học khá danh giá . Sở dĩ tôi chọn ngành kinh tế là vì tôi bị ảnh hưởng bởi những nhân vật “startup” đình đám trong những cuốn sách tôi đọc.

%image_alt%

Đừng quá tôn thờ những cuốn sách. Ảnh: Internet.

Trong đầu tôi luôn hừng hực khí thế khởi nghiệp. Tác giả của những cuốn sách khởi nghiệp hay “self-help” luôn khiến tôi lạc quan với mọi sai lầm và thất bại của mình. Đấy là nói theo hướng tích cực còn tiêu cực thì những cuốn sách đã biến tôi trở thành một chàng AQ không hơn không kém.

Tôi tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi – điều mà gia đình tôi ai cũng dự đoán được ngay khi tôi vào đại học. Tuy nhiên, không ai lường trước rằng điểm thực tập cuối khóa của tôi chỉ ở mức trung bình – một điểm số đáng thất vọng.

Tất cả cũng chỉ bởi tôi không biết đi xe máy – điều mà sách vở chẳng dạy được tôi. Bữa tôi trễ xe buýt, đến chỗ thực tập muộn. Bữa làm hỏng hết việc người ta giao chỉ bởi không có phương tiện đi lại, không điều khiển được xe máy và hàng nghìn câu chuyện khác liên quan đến giao tiếp với những người ở nơi thực tập mà tôi chẳng muốn kể ra. Tôi ước gì chưa từng đi thực tập, chưa từng tiếp xúc với con người nơi đấy.

Nhưng tôi thấy nó cũng chẳng ảnh hưởng nhiều lắm đến đại cục. Tôi vẫn là cử nhân loại ưu cơ mà. Chỗ thực tập đó không đáng để tôi phải lưu tâm. Một người lập dị sẽ không được chào đón ở một không gian nào đó nhưng họ luôn có những tố chất để thành công mà không ai có được. Sách bảo vậy. Tôi “nghỉ dưỡng” một thời gian sau khi ra trường để đọc sách và sau đó, tôi được người quen giới thiệu đi làm ở một công ty chứng khoán khá tên tuổi.

Trước khi vào làm ở chỗ mới, tôi gần như học thuộc lòng cuốn Đắc nhân tâm của Dale Carnegie. Tôi cố tỏ ra hòa nhập, cố tỏ ra thật chân thành với những người xung quanh, áp dụng y nguyên cách xử lý tình huống trong cuốn sách đã đưa ra.

Và tôi trở thành kẻ thớ lợ lập dị trong mắt của mọi người.

Rời bỏ công ty đó, không nhụt chí, tôi thử thách bản thân bằng một công ty khởi nghiệp của mình và đương nhiên, tôi luôn tự tin vào những kinh nghiệm mà mình thu nhập trong sách vở và kì vọng vào sự thành công của mình.

Nhưng rồi giấc mộng thành công lại một lần nữa tan vỡ. Tất cả các cuốn sách đều hướng tới thành công một cách quá dễ dàng nhưng đáng tiếc là chẳng có ai nói cho tôi biết có đến 90% công ty mới thành lập thất bại chỉ trong vòng hai năm đầu hoạt động.

Không có sự va chạm thực tế, không có kinh nghiệm, không có kĩ năng mềm, không hòa nhập vào bất cứ một cộng đồng nào. Công ty của tôi tựa như được thành lập trên hoang đảo, bị cô lập ngay tức khắc và chẳng đợi đến hai năm, công ty của tôi đã chết yểu ngay sau sáu tháng hoạt động.

Tôi đã từng kì thị những kẻ không đọc sách, những kẻ chỉ biết lêu lổng ở ngoài đường. Tôi từng nghĩ sách là bản đồ thế giới, chúng ta có thể trải nghiệm thực tế qua những trang giấy.

Nhưng có lẽ tôi đã sai, bản đồ thế giới không phải thế giới. Và cách duy nhất để có kinh nghiệm chính là phải “lêu lổng”, lăn lộn ở bên ngoài chứ không phải trong những câu chuyện giấy trắng mực đen.

Tôi nhận ra rằng chẳng có cuốn sách nào đảm bảo chúng ta sẽ thành công nếu chúng ta chỉ đọc sách mà không dành thời gian cho những hoạt động thực tế quanh mình. Bây giờ tôi cảm thấy hối hận vì tuổi trẻ của tôi đã quá sùng bái những cuốn sách. Nếu ngày đó tôi biết gập sách lại, lao vào đời để lăn lộn, trải nghiệm nhiều hơn thì giờ chắc chắn cuộc sống của tôi đã khác.

Đúng là “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi”.

Theo Trịnh Nguyên/ Người Đưa Tin

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc