Một cô con gái từ Mỹ trở về quê nhà Nepal chỉ với mục đích khuyến khích người mẹ của cô khởi nghiệp bằng một công ty làm món dưa chua ngâm truyền thống của người Nepal, cũng là cách để bảo tồn, gìn giữ những công thức muối dưa chua đã được truyền qua nhiều thế hệ. Ama, bà mẹ của cô gái, năm nay đã tròn bảy mươi.

Hai mẹ con bà Ama với các sản phẩm dưa ngâm chua được một họa sĩ vẽ thành tranh minh họa

Ở làng quê nghèo Arthar của huyện Parbat (thuộc khu Dhawalagiri phía tây Nepal) có một cái chuồng bò được coi là trường học đầu tiên trong làng. Khi đàn bò được thả cho đi ăn cỏ ở khu rừng ẩm ướt gần làng, đám trẻ chăn bò ngồi trên những đống cỏ khô đọc bài học từ những quyển sách cho đến lúc đàn bò về chuồng thì lớp học cũng tan. Bà Ama nhớ lại: “Có một thầy giáo đến sống trong làng, thầy đã dạy tôi một vài điều sau bữa ăn chiều”. Đó là những từ tiếng Anh đầu tiên bà Ama được học từ người thầy được huyện cử tới làng để dạy học cho đám trẻ chăn bò. Năm 2016, khi cô con gái du học tại New York trở về Nepal, hai mẹ con đã sống gần nhau suốt hai tuần. Có hai biến cố đã xảy ra với bà Ama trong thời gian cô con gái chưa trở về quê nhà, đó là một trận động đất dữ dội đã xảy ra ở Nepal và bà Ama bắt đầu học tiếng Anh. Không ngờ việc học tiếng Anh lại đánh thức nhiều suy nghĩ lâu nay chưa từng xuất hiện ở bà mẹ làng quê. Bà nói với con gái: “Suốt cuộc đời mình, mẹ chỉ biết nấu ăn ba bữa, rửa chén bát của các bữa ăn, cứ thế ngày này qua ngày khác. Mẹ không tiếp thu được gì cả, không có chút kiến thức nào. Để rồi sau khi mẹ chết đi, không ai từng nhớ đến mẹ, phải không con?”. Cô gái thức suốt đêm vì câu nói của mẹ.

Ớt ngâm chua kiểu Nepal cay xé lưỡi

Ngày hôm sau, cô nói với bà Ama: “Nhưng mẹ ơi, không ai trên thế giới này nấu ăn ngon hơn mẹ. Nếu không phải là kiến thức thì đó là gì – những món ăn ngon mà mẹ đem đến cho con, cho gia đình mình và có thể cho cả thế giới nữa?”. Và thế là vào mùa hè năm 2017, hai mẹ con bà Ama thành lập ĀMĀKO, công ty muối dưa lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong ngôn ngữ Nepal, tiếp vĩ ngữ ko để chỉ sở hữu, giống như dấu lược ‘s trong tiếng Anh. ĀMĀKO nghĩa là “của mẹ” – công ty của mẹ. Nhưng không dễ dàng gì để cô con gái thuyết phục được bà Ama bắt tay vào công việc kinh doanh này. “Con thích mẹ nấu ăn vì con sống trong gia đình, nhưng người khác sẽ không thích các món ăn đó”. Ngay cả người thân trong gia đình cũng ngăn cản cô. Chỉ có những lời tự thán của bà Ama khiến cô không từ bỏ ý định của mình, bởi cô biết mẹ vẫn còn ước muốn được làm nhiều điều hơn là công việc nội trợ gia đình suốt mấy mươi năm qua.

Hai mẹ con khởi sự kinh doanh vào một ngày cuối tuần sau cơn mưa hôm trước khiến khu chợ nông nghiệp nhỏ tại Boudha, ở ngoại ô Katmandu vẫn còn ẩm ướt. Họ mang đến chợ món dưa ngâm chua achār. Những người bán dạo thực phẩm đi qua sạp hàng của họ, nhìn ngắm món dưa ngâm. “Achār à? Ô, thứ dưa này tôi có thể làm ở nhà”, “Achār à? Ô, tôi đau bao tử, không thể ăn thứ này”. Nhưng rồi khách hàng đầu tiên của họ, một người mặc đồ chơi quần vợt bảnh bao đến mua hũ achār được làm bằng dưa gang ngâm chua cay xé, cô con gái trao cho mẹ món tiền kinh doanh đầu tiên trong đời bà. Bà Ama cầm tiền mà như cầm thứ gì thật thiêng liêng! Đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời, cứ quần quật ngày này qua ngày khác – từ 5g sáng đến quá 10g đêm – bà Ama cầm trong tay một món tiền được trả trực tiếp cho một món ăn mà bà tự tay làm. Đó là những trang đầu tiên của một câu chuyện có hậu về món dưa ngâm chua kiểu Nepal, giờ đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà Công ty ĀMĀKO còn xuất khẩu achār đến nhiều nước trên thế giới có cộng đồng người Nepal sinh sống. Bà Ama và con gái nay đã chuyển đến Singapore định cư và tiếp tục sống với nghề muối dưa cha truyền con nối.

 

Theo Nam Hồng/ TC Nội Thất

Nguon bai viet: https://www.noithatmagazine.vn/song/am-thuc/mon-dua-chua-cua-me.html

 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc