Thực tế hiện nay đang cho thấy, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân, người dân đa phần vẫn chọn cách vay góp, chơi hụi, với lãi suất rất lớn.

“Trong tâm lý đám đông vẫn gắn vay tiêu dùng với các hình thức cho vay nặng lãi, mà không thấy rằng mức lãi cao vì cho vay tiêu dùng rủi ro rất cao nên chi phí dự phòng cũng tăng cao”, tiến sĩ Đinh Thế Hiển, ủy viên chuyên trách ủy ban chiến lược ngân hàng Eximbank cho biết như thế. Theo ông Hiển, cũng như nhiều diễn giả tham gia hội thảo “tài chính tiêu dùng – cơ hội và thách thức tại thị trường Việt Nam” tổ chức ngày 29/6/2013 vừa qua, thì để kích cầu cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để tạo động lực cho tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Vốn vay tiêu dùng bị rơi vào bất động sản

Cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam hiện nay hầu hết đều xuất hiện dưới hình thức “chợ đen” và được chào bán công khai trên tin nhắn điện thoại, mẩu rao vặt trên báo chí, các tờ rơi như: Cho vay 1 triệu đồng trả lãi 12.000 đồng/ngày thủ tục nhanh gọn kín đáo; cầm cố nhà đất với lãi suất 2000đ/ triệu/ngày; cho vay tín chấp từ 10-200 triệu, lãi suất 3000đ/1 triệu; cho vay tiền thế chấp bằng sim số đẹp, lãi suất 1800-2500đ/triệu/ngày… Hoặc đơn giản hơn là các hình thức mua hàng trả góp ở các chợ, vay nóng giữa các bạn hàng vay 1 triệu buổi sáng chiều trả ngay 1,1 triệu, mua hàng trả tiền ngay giá 1 triệu còn nếu trả góp mỗi ngày 40.000 đồng trừ gốc và lãi…

Bà Nguyễn Thu Hà, nguyên phó tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank cho biết: Dư nợ cho vay tiêu dùng đến cuối năm 2012 ở Việt Nam khoảng 230.000 tỉ đồng, chỉ chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, và khá thấp so với các quốc gia đã phát triển khoảng 15%. Cũng so với các nước khác, hoạt động do vay tiêu dùng do các công ty tài chính đảm nhiệm chiếm 40 – 50% thị trường cho vay, còn ở Việt Nam thì các ngân hàng thương mại lại chiếm chủ yếu (như VCB, Vietinbank, BIDV, Sacombank, Techcombank, VP, HSBC, Citi bank, ANZ…), các công ty tài chính (như PPF Việt Nam, Prudential FC, VFG, SGVS, JACCS…) chỉ chiếm khoảng 4%.

Đáng chú ý, là cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang diễn ra khác hẳn với thế giới, ở các nước thì cho vay tiêu dùng là khoản tiền cho một cá nhân vay (thường là không có tài sản đảm bảo) để mua sắm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có giá trị khấu hao nhanh như tivi, tủ lạnh, mô tô, xe máy … Còn ở Việt Nam, một số ngân hàng lại phân loại khoản vay mua nhà là một sản phẩm cho vay tiêu dùng. Chính vì vậy mà trong 230.000 tỉ cho vay tiêu dùng năm vừa qua của các ngân hàng thương mại Việt Nam, có đến 83% là cho vay bất động sản, 13% cho vay mua ô tô, 2% cho vay mua xe máy, và 1% cho tiêu dùng cũng như 1% cho thẻ tín dụng.

Xét về lãi suất, có vẻ như các ngân hàng thương mại luôn cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp (khoảng 13- 25%/năm) và khoản thời gian dài hạn (có thể đến 60 tháng) nhưng lại chỉ cho vay mua những món hàng có giá trị và xem món hàng đó như tài sản thế chấp (nhà, xe ô tô). Còn các công ty tài chính cho vay với lãi suất 24- 65%/năm, thời gian tối đa chỉ được 36 tháng, nhưng lại ưu tiên cho vay các khoản tiêu dùng chi phí thấp dưới 50 triệu đồng và không có tài sản thế chấp.

Thực trạng tín dụng

Cho vay tiêu dùng để kích cầu, Ông Hiển cho rằng, thực trạng tín dụng tiêu dùng của Việt Nam năm 2013 chỉ mới đạt 4,4 tỉ USD so với 119 tỉ GDP (chiếm 3,7%), khá thấp so với tỉ lệ tín dụng tiêu dùng/GDP của Mỹ lên tới 18%, đây chính là dư địa lý tưởng để phát triển cho vay tiêu dùng. Điều này mang lại  nhiều lợi ích cho kinh tế quốc gia, “thúc đẩy thị trường tiêu thụ, giúp tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giúp quản lý tốt hoạt động thương mại và kinh tế, kết nối được nguồn vốn – sản xuất – tiêu dùng tạo vòng quay nhanh, tăng hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả kinh tế”, ông Hiển nói.

Theo dự báo tăng trưởng của thị trường Việt Nam 2013 – 2016 của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor, nhu cầu thẻ tín dụng tăng 20 – 22%, hàng tiêu dùng tăng 15 – 17%,  cho vay mua nhà tăng 12%, vay mua ô tô tăng 7%, xe máy tăng 5%… Còn nhóm nghiên cứu của ngân hàng Vietcombank dự báo khả quan hơn nữa, với nhu cầu thẻ tín dụng có thể tăng đến 30%, nhu cầu vay tiêu dùng tăng 20%, nhu cầu xe máy tăng 10%… Thêm vào đó, 40% dân số từ 20 – 49 tuổi sẽ là tầng lớp có nhu cầu sử dụng các dịch vụ liên quan đến tín dụng cá nhân như thanh toán qua thẻ và mua hàng trả góp.

Với nhu cầu lớn như đã nêu, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ tạo động lực kích cầu cho toàn thị trường. Thực tế cũng cho thấy, nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân đang tăng mạnh, như tại công ty tài chính PPF Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đầu năm số điểm bán dịch vụ đã tăng thêm 79%, và ngược chiều với các ngân hàng thương mại gặp khó khăn thì tính trong 4 tháng đầu năm, PPF Việt Nam vẫn đạt lợi nhuần ròng 116 tỉ đồng.

Lời kết

Ý kiến của một số chuyên gia trong ngành tài chính ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vẫn chưa chấm dứt như hiện nay, ngành hàng mạnh nhất trong lĩnh vực tài chính là “cho vay tại điểm bán”, nhắm đến người cho có thu nhập trung bình – thấp. Muốn thực hiện điều này, các ngân hàng cần xây dựng qui trình công nghệ quản lý rủi ro thật hiện đại, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tiếp cận với người dân thường. Còn cho vay tiêu dùng mà chỉ nhắm đến tài sản có giá trị và có khả năng thế chấp (nhà, xe ô tô) thì không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế xã hội.

Nguồn: Tạp Chí Thời Trang Trẻ

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc