Thông thường bà mẹ thích đi chợ truyền thống, ngõ hẻm, chỗ nào cũng có. Theo bà thì chợ “nhà quê” luôn có những người bán hàng nhỏ, vài cân tôm, mấy con cá, nhưng là đồ tươi họ vét từ ông đánh lưới sáng sớm.

Thế chả hơn đứt mấy đồ siêu thị à.

Còn cô con gái, các cô có học làm văn phòng, công ty hoặc cơ quan nhà nước thì theo “Tây học”, văn minh chỉ tin siêu thị. Các cô cũng chẳng hơi đâu mà ngày nào cũng rình mua đồ nhà quê, mà cứ tuần hai lần thẳng tiến đến siêu thị về chất trong tủ lạnh.

Siêu thị cái gì chẳng có. Đẩy cái xe nhỏ, nhặt đồ bỏ vào, ra cửa tính tiền, chất lên xe cho nên hỏi giá từng thứ, chịu chết, nhớ làm gì mệt óc. Cần biết thì đọc trong cái hóa đơn dài thòng đính trong bịch đồ.
Hơn nữa, quan trọng nhất, đó là đồ siêu thị có nguồn gốc xuất xứ, giá cả rõ ràng, ngày sử dụng, thật là hưởng thụ nền văn minh lại không muốn là sao?

9675501 a vector illustration of a beautiful woman shopping grocery at the supermarket1 Mẹ đi chợ, gái đi siêu thịNhiều người thích đi siêu thị vì đồ siêu thị có nguồn gốc xuất xứ, giá cả rõ ràng…

Nhưng bà mẹ thì có đủ lý lẽ, chả thua cô đâu. Đây, cô nói rau siêu thị là có xuất xứ, người ta có những vùng rau nguyên liệu cung cấp, đảm bảo quy trình trồng trọt thu hái theo tác phong công nghiệp. Vậy tôi hỏi cô, rau sinh thái không biến đổi gian, không phun xịt làm sao mà cái lá cây rau dền nó lại to như cái… lá bàng? Cứ nhìn đi xem tôi có nói điêu nói thừa không nhé. Cái lá mùng tơi nữa chi? Không to như cái lá bàng tôi xin bé lại bằng con kiến.

Cô nói thịt cá cũng xẻ cắt rửa sạch đóng gói văn minh. Đồng ý. Nhưng tôi xin lỗi nhé, cô tưởng là tươi ngon à? Con cá miếng thịt để hầm lạnh có tới vài tháng mới đến lượt cô ăn ạ. Là vì còn đóng gói, bảo quản đông lạnh, còn phân phối đi khắp các kho, cửa hàng, siêu thị nhé. Hầm của người ta độ lạnh rất lớn, đem về tủ lạnh nhỏ nhà cô để cả tuần nữa, hỏi nó có ra cái gì?

Con gái thì sính đi cửa hàng lớn, mua đồ hiệu. Sờ vào cái áo, đôi giày cứ gọi là xấp xỉ tiền triệu. Buốt hết cả ruột gan. Nhưng thời đại phải thế, người ta sản xuất hiện đại, còn xây dựng thương hiệu theo đúng công thức Tây, dùng mới yên tâm, lại chả đáng đồng tiền bát gạo?
Mẹ bảo, cứ việc giả tiền ngu. Tôi ấy à, còn lâu tôi mới vào nhà hàng sáng choang nhé. Miếng bánh, hớp café vẫn thế, nhưng cô giả tiền cắt cổ, là cô trả tiền thuê mặt bằng, tiền thuê nhân công cho người ta đó chứ có gì ngon hơn không?

Con gái phì cười, mặt bằng rộng mát, người phục vụ tận nơi đó không đáng tiền sao, mình được hưởng chứ ai đâu mà xót?
Ấy cứ thế, mẹ và con gái nhường nhau thôi, chứ mà cãi lý, còn lâu mới phân thắng bại….
Ân Quang

 

Nguồn: Tạp chí Thời Trang Trẻ

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc