Có người nghĩ rằng kết hôn với một người chồng có giá trị thì sẽ đem lại cho mình một giá trị. Đó là suy nghĩ của những người không có ý thức về bản thân. Và kết cục là họ sẽ phải trả giá cao cho lòng tự trọng thấp.

Nếu bạn là một người không có ước mơ gì trong cuộc đời hay nói khác đi là không làm được một cái gì của riêng mình và bạn đến với hôn nhân chỉ có hai bàn tay trắng với những đòi hỏi của mình thì chắc chắn bạn sẽ chỉ là một đứa trẻ con trong con mắt của chồng bạn và dĩ nhiên anh ta sẽ cư xử với bạn như với một đứa trẻ con, nhất là khi anh ta lại là một người đàn ông thành đạt.

1-1491555283154150129275
Ảnh minh họa

Khi một cô gái không có can đảm mơ ước hay tự đặt cho mình một mục đích sống thì tất nhiên cô ta sẽ cảm thấy cuộc sống của mình chỉ có ý nghĩa khi “đặt cọc” tất cả vào mối quan hệ với một người đàn ông để trở thành vợ của ông này, ông nọ và là mẹ của những đứa con kháu khỉnh, thông minh – đôi khi còn lấy điều thứ hai để đảm bảo cho điều thứ nhất. Nhưng người ta sinh ra và tồn tại ở trên đời đâu chỉ có một mục đích là làm mẹ và sinh con? Đó mới là “chức năng sinh học” của bất cứ động vật nào, chứ không phải là trách nhiệm của một con người trước xã hội.

Loan là một cô gái như thế! Sau khi không trúng tuyển vào đại học, cô cảm thấy chán ngán không thiết học hành thi cử gì nữa, mặc dầu bố mẹ vẫn động viên con ôn tập để thi lại vào năm sau. Cô cũng có ý định đi làm nhưng việc trí óc thì cô không có trình độ, làm lao động giản đơn thì cô ngại vất vả mà lương thấp. Thế rồi trong một lần đi dự đám cưới một người bạn, tình cờ cô quen ông chú ruột của bạn là một người đàn ông gần gấp đôi tuổi cô, đã ly hôn bốn năm nay và đang làm chủ một cửa hàng buôn bán xe máy.

Những cuộc đi chơi, đi xem rồi đi siêu thị với những tặng phẩm đắt tiền đã khiến Loan ngày càng cảm thấy gần gũi, gắn bó với ông ta. Cho đến khi ông tỏ tình thì Loan nhận lời. Cô hứa với người yêu là sẽ cố gắng làm một người vợ, người mẹ tuyệt vời và sẽ đem lại cho ông ta những đứa con xinh đẹp. Bây giờ, sau ba năm chung sống. Loan đã có với chồng một đứa con gái xinh như búp bê. Người chồng vẫn cư xử tốt với vợ và yêu con nhưng Loan bắt đầu cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt.

Chồng Loan vì công việc có khi đi biền biệt hai ba ngày liền. Loan cũng không biết mình hay nghi ngờ chồng từ bao giờ? Cô hay căn vặn và gọi điện thoại qua máy di động để kiểm tra. Bất kỳ một dấu hiệu khả nghi nào cũng khiến cô nghi ngờ, bắt chồng phải giải thích cặn kẽ. Điều đó khiến chồng cô bực mình, khó chịu. Những cuộc cãi vã ngày một nhiều hơn rồi đến một hôm anh ta đánh cô một cái tát. Loan cũng không nhớ mình đã nổi điên lên nói chồng những gì, chỉ nhớ trong tiếng quát tháo của ông ta có những câu: “Đồ ăn bám! Cứ nằm ườn ra suốt ngày ở nhà sinh lắm chuyện!”

Nhà xã hội học Carol Tavris cho rằng: “Mỗi con người, bất kể đàn ông hay đàn bà, đều phải tự khẳng định được một giá trị bản thân, nếu mình biết tự trọng. Giá trị đó không thể do người yêu hay người bạn đời mang lại mà phải do nỗ lực của chính mình”.

Điều đáng buồn là, trong thực tế hiện nay, vẫn không ít cô gái không tìm giá trị của mình trong bản thân mà lại tìm trong những mối quan hệ. Đến một lúc nào đó, họ sẽ nhận ra sự trống rỗng của chính cuộc đời mình. Bởi vì ngoài mối quan hệ với chồng con, bản thân họ chẳng có một giá trị nào cả. Họ thất vọng và chán nản.

Để khẳng định giá trị bản thân không phải là điều dễ dàng. Nhiều khi chúng ta phải trải qua những thất bại, đắng cay. Nhưng ít nhất mỗi người phải có một công việc để mưu sinh và có thể tự tồn tại được nếu bạn muốn là một con người trưởng thành, là một người biết tự trọng, trước khi đến với hôn nhân. Chỉ khi nào bạn đem theo những mục đích của riêng bạn, những mơ ước của mình và nhận thức được giá trị bản thân đến với cuộc hôn nhân thì người bạn đời của bạn mới không phải là cái cột để bạn bám vào mà là một người bạn đồng hành, kề vai sát cánh trên đường đời, chia sẻ mọi buồn vui, thành công và thất bại.

Còn nếu bạn đến với hôn nhân không có gì khác ngoài những đòi hỏi của mình thì trạng thái cân bằng sẽ sụp đổ. Bạn sẽ không lúc nào ngừng than phiền về anh ta. Và dù bạn được sống trong một hoàn cảnh vật chất đầy đủ thế nào chăng nữa, bạn cũng sẽ chỉ là kẻ bòn rút tình cảm của người khác và của chính mình chứ không bao giờ đạt tới cái hạnh phúc mà bạn mong đợi.

Theo CHUYÊN GIA TÂM LÝ TRỊNH TRUNG HÒA (Kiến thức gia đình số 29)
Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc