Những biến đổi trong đời sống kinh tế-xã hội đang tạo nên thách thức lớn đối với những giá trị truyền thống ở Trung Quốc. Một thế hệ mới hình thành, độc lập nhưng cũng cô đơn, sống theo bản ngã hơn.

“Tôi thích sống một mình”

Cao Fang, 29 tuổi, sống một mình trong một căn hộ nhỏ ở thủ đô Bắc Kinh. Cách đây độ chục năm, độ tuổi của cô ở Trung Quốc nếu chưa lập gia đình thì thực sự là “một vấn đề”. Nhưng hiện tại, Cao cảm thấy ổn.

Ngoài giờ làm việc, Cao về nhà, nghỉ ngơi hoặc đi ăn tối với các bạn hoặc đồng nghiệp. Cao cũng có thể dành cả ngày ở nhà để đọc sách. “Tôi đã sống như thế này được 4 năm. Chẳng có gì là không được cả”-Cao chia sẻ.

Theo Chinadaily, Cao Fang là điển hình của một bộ phận rất đông giới trẻ Trung Quốc hiện nay, sống một mình thay vì lập gia đình. Thuật ngữ “empty nest” trước đây thường được sử dụng để chỉ những người già cô đơn, sống một mình do con cái trưởng thành ra ngoài lập nghiệp thì nay được dùng để chỉ những người như Cao Fang.

Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc thích sống một mình hơn

Báo cáo của Đài truyền thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) cho biết, hiện Trung Quốc có khoảng hơn 20 triệu người thuộc diện này, trong độ tuổi từ 20-39. Hầu hết sống ở các thành phố lớn: Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến…Tất cả đều trẻ, hoặc mới bước vào ngưỡng trung niên, có công việc ổn định nhưng sống một mình. Không thích hoặc chưa muốn lập gia đình. Hầu hết những người như Cao Fang thích dành thời gian ở nhà thay vì ra ngoài. Cách thức liên kết chính với xã hội và bạn bè của họ là thông qua mạng xã hội.

Theo dữ liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), trong năm 2015 có đến 12,45% hộ gia đình ở nước này chỉ có một người. Con số này tăng 4% so với thời điểm năm 2008. Wang Yimei, giáo sư Xã hội học thuộc trường Đại học Tứ Xuyên cho biết, sự gia tăng của “empty-nester” có nguồn gốc từ sự phát triển không đều giữa các đô thị lớn và các vùng nhỏ khác. Một dữ liệu khác của dịch vụ cung cấp thực phẩm trên mạng, Baidu Waimai cho thấy, những người trẻ sống một mình thường có nhiều tiền hơn để dành cho ăn uống, áo quần. Cứ 5 “empty-nester” thì 1 người không có tiền để dành, nhưng cũng không có nợ nần.

“Với những người trẻ đã tốt nghiệp và không cưới xin, đó là chuyện bình thường. Họ có đời sống riêng, không bị can thiệp bởi cha mẹ”-giáo sư Xã hội học Dong Haijun nói với Tân Hoa Xã.

Sẵn sàng ly hôn

Cùng với xu hướng không thích kết hôn, tỉ lệ ly hôn cũng gia tăng ở Trung Quốc những năm gần đây. Bộ Nội vụ Trung Quốc mới đây cho biết, số vụ ly hôn tính trên 1.000 dân (ly hôn thô) đã tăng gấp đôi trong 1 thập niên qua (tính tới năm 2016), từ 1,46 lên 3.

Số vụ ly hôn trong năm 2016 ở Trung Quốc tăng 8,3% so với năm 2015, lên 4,2 triệu. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, con số này đã là 1,9 triệu, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016. Song song với đó, tỉ lệ “kết hôn thô” (số vụ kết hôn tính trên 1.000 dân) cũng giảm, từ 9,92 năm 2013 xuống 8,3 trong năm 2016. Số vụ kết hôn trong năm 2016 là 11,4 triệu, giảm 6,7% so với năm trước đó.

Một trong những lý do khiến các vụ ly hôn gia tăng, theo nhà Xã hội học To Sin-chi (Hong Kong), là phụ nữ coi trọng bản thân hơn, không còn chấp nhận cuộc sống gia đình không hạnh phúc. “Phụ nữ ngày nay độc lập và có cơ sở tài chính tốt hơn. Vì vậy, họ có thể ly hôn nếu cuộc sống không ổn”-bà To Sin-chi nói.

Đối với chính quyền, xu hướng trên lại rất đáng quan ngại, bởi gia đình được xem là nền tảng cho sự ổn định xã hội. Các nhà quản lý Trung Quốc vì vậy đang kêu gọi người dân “có trách nhiệm hơn” đối với gia đình.

AN QUỐC
Nguồn: Nông Nghiệp/nongnghiep.vn 
Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc