Lúc này là 4 giờ sáng. Thân thể tôi run lẩy bẩy. Tôi chết đây. Mệt mỏi quá rồi”. Đó là những dòng cô gái trẻ Takahashi viết trên mạng xã hội trước khi tự sát, theo tường thuật của tờ Business Insider.

09-50-22_d27
Một bà mẹ ôm bức tranh vẽ con trai đứng trước cây anh đào bà trồng sau khi con bà qua đời vì làm việc quá độ (Ảnh: says.com/asahicom.jp)

Takahashi, nhân viên công ty quảng cáo Dentsu, đã nhảy từ căn phòng tập thể của công ty xuống đất để tìm lối thoát khỏi công việc đầy ác mộng. Sự việc này đã khiến chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Dentsu, Tadashi Ishii, tuyên bố từ chức.

Áo choàng tím

Chính phủ Nhật Bản bấy nay đã cố gắng trong vô vọng tìm cách thay đổi thái độ mang tính văn hóa của người Nhật đối với công việc. Đầu năm 2017, Thủ tướng Shinzo Abe đã phải ban bố một kế hoạch cải tổ cung cách làm việc nhằm giúp lao động Nhật Bản có thêm thời gian để nghỉ ngơi. Dù kết quả nơi này nơi kia khác nhau, nhưng cũng đã có những công ty đi đầu trong việc thay đổi cung cách làm việc.

Công ty Dentsu nay buộc nhân viên nghỉ ít nhất 5 ngày trong vòng 6 tháng. Công ty cũng tắt đèn vào 10h đêm để khuyến khích mọi người về nhà sớm. Các công ty khác cũng tìm cách chuyển giờ làm thêm sang buổi sáng. Ví dụ tập đoàn thương mại Itochu Corp. Thì mở cửa từ 5 giờ sáng để những ai muốn làm ngoài giờ có thể tận dụng, tránh phải ở lại đến khuya. Ai đến công ty sớm được ăn sáng nhẹ và cũng được hưởng lương ngoài giờ ngang với việc làm thêm vào cuối ngày.

Một số công ty có cách làm rất sáng tạo để khuyến khích nhân viên làm việc ít hơn. Công ty chăm sóc y tế Saint-Works có trụ sở ở Tokyo yêu cầu nhân viên mặc áo choàng không tay màu tím để nhắc họ rằng đã đến lúc rời văn phòng. Đây là nỗ lực để xóa tan tâm lý lo lắng khi công việc chưa xong mà ngày làm việc chính thức đã chấm dứt.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, nhân viên của Saint-Works giảm thời gian làm ngoài giờ còn một nửa so với thời điểm 2012 trong khi lợi nhuận của công ty vẫn tăng đều từng năm.

Nhưng đó mới chỉ là những cải thiện nhỏ nhoi và vấn đề tồn tại còn lớn hơn và khó giải quyết hơn nhiều.

Cái chết của Joey Tocnang

Ba tháng trước khi được về đoàn tụ với vợ và con gái ở Philippines, Joey Tocnang phải làm việc liên tục do bị phạt trong công việc. Tháng 4/2014, tu nghiệp sinh người Philippines đang làm việc cho một công ty đúc kim loại của Nhật Bản này chết vì đau tim trong căn phòng tập thể của công ty. Giới chức về tiêu chuẩn lao động Nhật Bản xác định cái chết của Tocnang liên quan trực tiếp đến số giờ làm thêm dài dằng dặc mà anh buộc phải thực thi.

Điều này có nghĩa là tuy không tự tìm đến cái chết như Takahashi, rất nhiều người lao động ở Nhật Bản, kể cả người nước ngoài, đứng trước nguy cơ tổn hại sức khỏe nghiêm trọng vì thói quen tham công tiếc việc của người lao động, sự tận dụng lao động của các công ty xứ sở Phù Tang.

09-50-22_s20161016001825_comm
Chân dung anh công nhân Joey Tocnang (Ảnh: says.com/asahicom.jp)

Báo cáo của Chính phủ Nhật cho thấy khoảng 21,3% người lao động ở Nhật làm thêm khoảng 50 giờ hoặc hơn mỗi tuần, so với 16,4% ở Mỹ, 12,5% ở Anh và 10,4% ở Pháp.

Các đơn đòi bồi thường vì phải làm việc quá mức lên đến con số kỷ lục hơn 1.400 trường hợp tính đến tháng 3/2015, đặc biệt trong các ngành chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội, vốn đang thiếu lao động.

Nhưng Hiroshi Kawahito, tổng thư ký của Hội đồng tư vấn quốc gia bảo vệ nạn nhân karoshi, nói thái độ miễn cưỡng của chính phủ trong việc thừa nhận tình trạng người chết vì làm việc quá độ (karoshi) đồng nghĩa là con số nạn nhân cao gấp nhiều lần số liệu công bố. “Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề và cho treo các poster khắp nơi về karoshi nhưng đó chỉ là tuyên truyền, hô khẩu hiệu”, Kawahito nói. “Vấn đề thực sự ở đây là phải giảm giờ làm và chính phủ làm chưa đủ”.

Mẹ Takahashi nói cái chết của con gái bà chứng tỏ một điều rằng một số công ty coi hiệu quả công việc và lợi ích của giới chủ cao hơn quyền lợi của người lao động. “Con gái tôi nói với bạn bè và đồng nghiệp rằng nó chỉ được ngủ chừng 10 giờ mỗi tuần và thứ duy nhất nó mơ ước là được ngủ… Nhưng vì sao nó lại phải chết?”, bà mẹ đau khổ nói với đài truyền hình TBS.

Takahashi vào làm việc cho Dentsu từ tháng 4/2015 và chỉ hơn một năm sau đã phải tìm đến cái chết, sau những áp lực từ công việc mà cô phải đảm nhận. Là nhân viên của bộ phận quảng cáo trên mạng thuộc công ty Dentsu, cô đã phải làm việc ngoài giờ nhiều tháng liên tục với số giờ làm thêm vượt qua con số 100 mỗi tháng, bao gồm cả cuối tuần.

Bộ Y tế Nhật Bản ghi nhận 93 trường hợp tự sát hoặc tìm cách tự sát có liên quan trực tiếp đến thực trạng làm việc quá mức tính đến thời điểm tháng 3/2016. Nhưng cảnh sát và quan chức thuộc Văn phòng nội các Nhật Bản nói chỉ riêng năm 2015, đã có 2.159 trường hợp tự sát liên quan đến karoshi.

Tocnang đã phải làm việc từ 78,5 tới 122,5 giờ ngoài thời gian chính thức mỗi tháng. Công việc của anh là cắt thép và chuẩn bị khuôn đúc. Anh gửi phần lớn lương tháng về cho vợ là chị Remy và con gái 5 tuổi, Gwyneth. Trước khi đột quỵ, Tocnang còn bảo với một đồng nghiệp rằng anh dự định hôm sau sẽ đi mua quà cho con gái.

ANH MINH
Nguồn: Nông Nghiệp/ Nongnghiep.vn 
Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc