“Có con là trẻ tự kỷ là một cuộc thách thức biến cha mẹ, các chuyên gia và thầy – cô thành những nhà giáo tuyệt vời.” Đó là những chia sẻ rất chân thực và nhiều trăn trở của các khách mời chia sẻ trong buổi tọa đàm “Đừng chờ thế giới thấp đèn xanh, hãy chấp nhận con của mình” nhân Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ 2/4 do Hội quán Các bà mẹ tổ chức.

Trong không gian ấm cúng và thân mật tại Hội quán Các bà mẹ, với sự hiện diện của Ths.Tâm lý Trị liệu Võ Thị Minh Huệ (làm việc tại phòng khám Nhi Đồng TP.HCM), chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội trưởng của Hội Quán Các Bà Mẹ), Ths. Tâm lý học Lê Minh Huân, chị Trần Thị Phương Hoàng (Hoàng Trần) làm việc tại tạp chí Nhà Đẹp, là mẹ của bé Vip đã 15 năm nuôi dạy con là trẻ tự kỷ; anh Phan Trọng Bằng là bố của bé Vip có nhiều kinh nghiệm nuôi dạy con, các bố mẹ có con Vip, các cá nhân quan tâm đến chủ đề bé Vip, cùng một số đại diện báo chí, truyền thông; buổi tọa đàm đã diễn ra với nhiều chia sẻ bổ ích cũng như nỗi niềm xúc động, trăn trở của những người trong cuộc. Buổi tọa đàm là cơ hội cho các bố mẹ Vip, cho những ai quan tâm về cách nuôi dạy và đồng hành cùng con nhằm giao lưu, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm.

Ths.Tâm lý Trị liệu Võ Thị Minh Huệ chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của mình khi khám cho các bé VIP

Trong sách “Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ” của Tiến sĩ Phạm Toàn và bác sĩ Lâm Hiếu Minh, bệnh tự kỷ là một trong năm tiểu loại của nhóm bệnh rối loạn phát triển lan tỏa. Bệnh có nguyên nhân từ những hoạt động bất thường trong hệ thần kinh của người bệnh làm cho khả năng phát triển ngôn ngữ, hành vi và cách ứng xử của cá nhân ấy bị giới hạn, cùng mòn hoặc sai lệch. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh trẻ tự kỷ của trẻ ngày càng nhiều. Điều này thật sự là một thách thức với những ai làm cha mẹ khi có con là trẻ Vip.

Là một người nhiều tâm huyết với việc nuôi dạy trẻ tự kỷ, chuyên gia Võ Thị Minh Huệ cho rằng biểu hiện ở mỗi trẻ Vip là khác nhau nên cũng phải sử dụng những phương pháp khác nhau để dạy. Việc dạy con sẽ đi từ việc cắt những hành vi không phù hợp của bé, giúp bé tương tác đến dạy ngôn ngữ để đưa bé ra ngoài cuộc sống. Và phải thực sự nghiêm khắc, đôi khi phải dồn con vào chân tường để con tiến bộ. Thế nhưng, dù đối xử nghiêm khắc với con thế nào thì cũng phải cho con biết rằng bố mẹ yêu thương con rất nhiều, cũng như phải thường xuyên khen và động viên con. Bố mẹ cũng cần phải giữ sự bình tĩnh, kiên nhẫn khi dạy con.

Chị Trần Thị Phương Hoàng chia sẻ về hành trình gian nan 15 năm đồng hành cùng con

Ngoài ra, trong buổi tọa đàm, ông bố Phan Trọng Bằng cũng có nhiều chia sẻ quý báu được rút ra trong quá trình đồng hành cùng con hơn 1 năm qua. Anh cũng là người cha mang nhiều trăn trở và quyết chí đồng hành cùng vợ trên hành trình nuôi dạy con tự kỷ. Anh chia sẻ trong việc dạy con cần phải cho con biết có giới hạn, lôi kéo con vào các hoạt động bình thường, dạy con hành vi, tương tác cảm xúc, dạy con biết cách hợp tác…

Buổi tọa đàm thực sự là những kinh nghiệm quý báu, chân thực và xúc động về hành trình gian truân, thử thách sự kiên nhẫn và tình yêu thương vô bờ bến của các bố, mẹ đối với con mình là

Chị Hoàng Trần là một trong những người mẹ đã vượt qua rất nhiều thử thách khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được khi đã 15 năm đồng hành cùng con trên từng bước đường. Bởi vì, “dạy một đứa trẻ đã khó, nuôi dạy một đứa trẻ tự kỷ bằng nuôi dạy 10 đứa trẻ bình thường”.

Anh Phan Trọng Bằng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm của bản thân mình từ khi bắt đầu đồng hành cùng con trai là bé Vip

Vẫn ánh mắt rưng rưng xúc động nhiều nỗi niềm và trăn trở, chị Trần Thị Phương Hoàng, mẹ của một bé Vip nhiều năm đồng hành cùng con đã có nhiều chia sẻ với buổi tọa đàm “Đừng chờ thế giới thấp đèn xanh, hãy chấp nhận con của mình”.

“Khoảng 17 tháng, có những biểu hiện bất thường: khóc đêm, không nhìn vào mặt mẹ, có những cử chỉ khác lạ như không biết chỉ, có những lúc đi nhón chân và chạy vòng tròn, chậm nói nhưng cái lo nhất ở nhà là cứ đúng 12 giờ đêm thì con khóc tới 5 giờ sáng. Khóc liên tục một thời gian dài. Dù gia đình đã tìm mọi cách để giúp con ngủ như dỗ dành, dùng mẹo để dao, kéo dưới nệm… nhưng vẫn không hết…

Để nuôi dạy con, để bé tiếp xúc được không thể tính ngày, tính tháng, mà phải gọi là tính nhiều bằng năm. Sự phát triển của con là lên xuống chứ không phải dạy là phát triển luôn. Nên chị đã gác hết công việc qua một bên, dành toàn bộ thời gian sáng-chiều-tối để tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi kiến thức về trẻ tự kỷ để dạy con từ lúc 17 tháng đến giờ đã được 15 năm.”

Theo như chia sẻ của chị Trần Thị Hoàng khi phát hiện ra con bị tự kỷ, chị cũng đã tìm đến nhiều trung tâm, lớp học và các chuyên gia để tìm hiểu, học hỏi. Nhưng theo chị, học được 10 điều cũng ứng dụng cho con được 2,3 điều vì mỗi đứa trẻ đều khác nhau nên cần biết ứng dụng những điều phù hợp với trẻ.

Để vượt qua thời gian khó khăn ban đầu, nhất là về việc con khóc đêm, chị Hoàng cho biết: “Để giúp con hết tình trạng khóc đêm, tôi đã thực hiện theo lời khuyên của chuyên gia về trẻ tự kỷ Lê Thị Phương Nga là ngưng sữa cho con. Quả nhiên, sau khi ngưng sữa thì con hết khóc. Sau đó, tôi bắt đầu thực hiện các hoạt động khác để tạo môi trường cho con như đưa con đến nhà trẻ để làm quen dần, cho con vận động nhiều để mát – xa hệ thống dây thần kinh dưới lòng bàn chân, trang trí phòng ngủ của con thành phòng học sinh động… Qua quá trình nuôi dạy con, tôi thấy rằng, để nuôi dạy bé Vip thì hãy nên có những động thái tích cực để dạy con trước 7 tuổi vì sau 7 tuổi, khả năng tiếp nhận, ý thức và nhận thức của bé sẽ chậm hơn rất nhiều.”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy  cùng đặt câu hỏi, đưa ra vấn đề để các vị khách mời cùng chia sẻ

Sau đó, chị Hoàng cũng kể về việc tập trung dạy con biết chỉ cũng đã mất hơn 1 năm. Chị đã bế con đi từ Nam ra Bắc, tìm nhiều bác sĩ, thầy thuốc, làm mọi cách để chữa trị cho con nhưng nhiều khi thật sự bế tắc. Nên cứ muốn nghĩ rằng con bình thường. Nhưng mỗi ngày nhìn thấy con không biết chỉ, không biết bắt chước, con thích tự chơi một mình thì chị thật sự cảm thấy chới với và bắt đầu phải đối diện với hiện tại vì sự bất thường ấy của con. Vì thế, tôi phải tìm tòi, nghiên cứu và làm mọi cách để hiểu và nuôi dạy con. Quan trọng nhất là phải chú ý quan sát và tương tác với con về mặt tình cảm vì tình cảm rất khó bắt chước và nó phải xuất phát từ bên trong trái tim nên cũng khá là khó khăn khi dạy cho con.”

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều lúc bế tắc, chán nản, chị đã hơn một lần nghĩ đến cảnh ôm con nhảy lầu để kết thúc mọi thứ nhưng tình yêu thương con lại trỗi dậy khiến chị tiếp tục đứng lên và cố gắng. Chị từng chia sẻ: ““Dạy cháu không hiểu được nên nhiều khi muốn ôm nó tự tử cho xong vì đường nào cũng chết. Tại vì thực sự thời gian đó tôi thấy bế tắc quá, không có lối thoát”. Vì thế, chị đã nhiều lần tự nhủ bản thân phải bình tĩnh và cố gắng. Chị thuê 3 cô giáo về cùng chị để dạy cho con. Đồng thời, nhờ sự hỗ trợ và vào cuộc của chồng để cùng nhau tìm ra những gì tốt nhất cho con có thể tiến bộ.

Theo lời chia sẻ của chị, quan trọng nhất trong việc nuôi dạy con các bé Vip là bố mẹ không được nản lòng, phải cực kỳ kiên nhẫn từng ngày từng giờ. Vì để dạy cho con biết và tự làm được bất kỳ 1 điều gì, so với các trẻ khác là rất đơn giản nhưng với trẻ tự kỷ là cả một thách thức. Chị cũng đơn cử một ví dụ về việc dạy con đi vệ sinh cũng phải mất 3 năm trời. Chị cho biết, khi con có phản ứng là tín hiệu tốt dù đó là phản ứng trái bình thường. Nhưng nó thể hiện điều mẹ dạy đã hiện diện trong não con, đã ăn sâu vào tiềm thức của con. Vì vậy, bố mẹ phải biết bình tĩnh và kiên nhẫn hơn so với các bố mẹ bình thường, đồng thời cũng phải biết khen con thường xuyên để khích lệ tinh thần cho con tự tin hơn. Chị Hoàng cũng nhắn nhủ: “Dù biết là nuôi dạy con là các bé Vip sẽ khó khăn hơn nhiều những đứa trẻ bình thường nhưng ba mẹ đừng nản lòng vì khi chúng ta cố gắng dạy con nhiều thì những điều đó sẽ ăn sâu vào tâm thức, đến một ngày chúng sẽ được phát ra. Và thể hiện qua sự tiến bộ của con.”

Hơn nữa, theo chị Trần Thị Phương Hoàng, chị cho người làm nghỉ để con hoàn toàn tập trung vào sự huấn luyện của chị. Chị cho biết: “Phải thực sự nghiêm khắc với con để con có thể quen dần với các bài tập. Đó là trường hợp khi chị cho con đi chân đất 3 vòng sân vận động mỗi ngày để kích thích các dây thần kinh dưới lòng bàn chân. Dù con mệt và lười không đi nhưng chị vẫn cùng con đi đều đặn mỗi ngày. Phương pháp này đã đem đến cho con sự tiến bộ rõ rệt.”

Đồng thời, chị cũng cho biết, đối với việc nuôi dạy các bé Vip, cũng cần có sự hỗ trợ rất lớn của các ông bố. Vì tình yêu thương của mẹ rất lớn nhưng đôi khi mẹ cũng sẽ rơi vào trường hợp yếu đuối, mệt mỏi nên cần sự cứng rắn và quan tâm của bố với con thì gánh nặng trên vai mẹ sẽ giảm bớt đi.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng giới thiệu tại Hội quán Các bà mẹ cũng có nhiều sách của nhiều tác giả chia sẻ về trẻ VIP

Giờ đây, trên gương mặt chị Hoàng đã thấp thoáng niềm vui khi bé nhà chị đã tiến bộ được 70-80%, khả năng nhận thức tốt và hơn nữa, bé có khả năng rất đặc biệt là nhớ nhạc nhiều hơn những đứa trẻ bình thường. Đó chính là thành quả xứng đáng cho công sức, sự cố gắng, kiên nhẫn và tình yêu thương vô bờ chị dành cho con. Trải qua 15 năm gian truân, chị nhắn nhủ với niềm tin và hi vọng: “Hãy kiên nhẫn, tự tin, yêu thương và chấp nhận. Vì chính con trai tôi đã dạy cho tôi những tính trên. Tôi thầm cảm ơn con trai. Hãy cố lên các mẹ nhé, hãy cho đi và sẽ nhận lại… vì sau cơn mưa trời lại sáng.”

Nguyệt Lam 

 

Phụ Nữ Hiện Đại & Hội quán Các bà mẹ

 

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media
Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc