23 tuổi, nhỏ Xinh trắng như hoa bưởi, đôi má hây hây, mắt đen lay láy và biết cười khiến bao anh trai làng mê đắm.

Năm đó, có anh trai hơn Xinh 4 tuổi, nhà cách mỗi con ao, sang dặm hỏi. “Ở đây con gái tầm này người ta đã một chồng hai con rồi”, ông bà nhắc khéo. “Thôi thì cũng thiệt thà, tốt bụng lại chăm làm ăn lắm. Con chịu…”, Xinh đồng ý vội.

Ít tháng sau, nhỏ Xinh cưới. Nhà Xinh chẳng khá giả, nhà anh trai tới mùa thất bát còn chạy vay thêm lúa cũ để ăn, “thôi thì làm cái cưới nho nhỏ, hai gia đình gặp nhau là vừa. Con chịu”.

Cưới giáp tháng, Xinh từ cô gái nhà quê còn bám đầy phèn đã theo chồng Nam tiến lập nghiệp. Ở cái làng xa thăm thẳm của Xinh, bà con vào Nam nhiều vô kể. Kẻ trước truyền người sau: Sài Gòn đất lành chim đậu, ai vào làm ăn là phát tài cả. Xinh đồng ý vội, Xinh đi Sài Gòn.

Và đôi vợ chồng trẻ ngày ấy lần đầu bước lên chuyến xe không số, sau một đêm băng băng thẳng con đường QL1A là tới Sài Gòn. Vậy mà, Xinh đi biền biệt. Có hôm mẹ nhớ con gái, gọi điện vào hỏi:

– Lâu mau sao không về quê hả con?

Xinh im lặng, ngửa mặt chực nước mắt chảy ngược. Vì chính Xinh, ở cái đất Sài Gòn hơn 14 năm vẫn đang đi tìm câu trả lời: Sài Gòn có đất lành chim đậu hay không? Xinh chưa tìm được, Xinh chưa trả lời.

Hành trình 14 năm tìm lại sự sống, ký ức và ước mơ của Xinh trên đất Sài Gòn
Hành trình 14 năm tìm lại sự sống, ký ức và ước mơ của Xinh trên đất Sài Gòn
Hành trình 14 năm tìm lại sự sống, ký ức và ước mơ của Xinh trên đất Sài Gòn

Xinh nhớ như in cái ngày định mệnh ấy. Đó là buổi sáng, hôm mười bốn tháng bảy Âm lịch cách đây 2 năm.

Sáng. Hai vợ chồng vẫn còn hì hụp ăn vội tô cơm nguội để kịp đưa thằng Mầm đi học. Ra khỏi nhà, chị dặn dò: Chiều anh về sớm đón con, rồi chia nhau mỗi người một con xe đạp đi làm. Xinh hành nghề nhặt ve chai (ở cái xóm trọ nghèo nơi Xinh ở, đàn bà vào Sài Gòn nhặt ve chai là chủ yếu), còn chồng thì phụ hồ. Và cũng buổi sáng đó, chồng Xinh trượt chân ngã khỏi giàn giáo sắt. Anh rơi tự do từ tầng 3 của một tòa nhà cao tầng sắp được bàn giao, trong lúc tô vôi. “Nghe tiếng bịch, rồi nằm im bất động như bao cát…” – một người kể lại.

10h, người ta gọi: Chồng mày rớt. Xinh nghe, ban đầu nghĩ không sao. Vì chồng chị đã xây trăm ngôi nhà ở Sài Gòn, số lần trượt chân ngã, té, trầy da, chảy máu, gãy xương,… đếm đủ đầu ngón tay, chỉ vài ba ngày nghỉ là khỏe. Chồng Xinh vốn có sức khỏe tốt.

“Tự nhiên chuyển viện là chị thấy lạ rồi. Vô đó, ổng bình thường lắm! Đâu gãy tay, chảy máu như hổm bữa, chỉ nằm ngủ, ngủ rất sâu. Vậy mà bác sĩ khăng khăng: Anh nhà nguy kịch lắm, chấn thương sọ não…”.

Bốn chữ: Chấn thương sọ não, bác sĩ nói nhanh như chớp, Xinh chưa kịp nghe đã thấy lùng bùng lỗ tai, đầu quay mòng mòng. Rồi chị ngã.

“Mọi người đều lắc đầu hết. Mà chị vẫn mặt dày lắm, sao tin chồng mình mới thế đã chết được chứ, sáng còn ăn chung bát cơm cơ mà?” – chị nghẹn, “chị cứ níu tay bác sĩ, năn nỉ ỉ ôi: Mấy anh làm ơn làm phước cứu lấy chồng em…”. Vừa khóc vừa kéo tay.

13 ngày đầu tiên, trong phòng chăm sóc đặc biệt, Công nằm bất động. Hôm đó, giữa bốn bức tường trắng toát, những ống thở, mớ dây nhợ nối đuôi nhau chọc từ mũi vào tận đâu đâu trong cơ thể. Và tiếng nhịp tim chậm rãi vang lên tí tách khi một vạch xanh chạy xẹt qua máy bự chảng, chạy như sóng. Chồng Xinh nằm ngang giữa lằn sinh-tử.

Bác sĩ vẫn giữ nguyên lời rằng gia đình hãy sẵn tinh thần. Ở quê, họ hàng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, chờ đưa thi thể Công là mai táng. Vậy mà, chị vẫn quả quyết rằng chồng mình sống. Mỗi ngày, 15 phút, vào thăm, nhìn mặt chồng, chị lại tỉ tê vào tai anh: Dậy đi, Mầm đang đợi.

“Sau 13 ngày, bác sĩ không ai dám đưa ra bất kỳ lời nào, dù là hứa. Vì họ đã hết lời từ bữa anh rớt rồi. Đến ngày thứ 15, tự nhiên hấp háy mắt rồi nhịp thở nhanh hơn, người ta mới tin lời chị nói ảnh sống là thật. Mà sống thì sống, nhưng có thể sống thực vật, bác sĩ bảo thế”.

Xinh nghe, ngậm bứng nước mắt. Vì sống vậy, chị biết sẽ nuôi sao? Kể cả nếu anh có không ăn cơm mà uống không khí để sống thì chị vẫn không nuôi nổi. Huống hồ hóa đơn tiền thuốc lên đến chục triệu.

Đêm đêm, nằm hành lang, Xinh ngửa bàn tay rách tươm vết chém từ sắt vụn, chỉ hỏi: Tiền đâu? Vì lúc ấy, ngoài đôi bàn tay năm lần bảy lượt bám vạt áo Blue năn nỉ ỉ ôi, Xinh chẳng còn gì cả. Túi chị rỗng tuếch từ mấy ngày trước.

Hành trình 14 năm tìm lại sự sống, ký ức và ước mơ của Xinh trên đất Sài Gòn
Hành trình 14 năm tìm lại sự sống, ký ức và ước mơ của Xinh trên đất Sài Gòn

Chuỗi ngày vô định đó, bây giờ nghĩ lại Xinh vẫn thấy rùng mình. Chị kể: Chị không biết đã sống thế nào, đã ăn đã uống đã ngủ chưa, thức dậy có khóc không, và đầu chỉ quay mòng mòng điều duy nhất: Anh ấy tỉnh dậy rồi, bằng bất cứ giá nào chị cũng nuôi.

“Rồi cái hôm còn chăm trên viện, chị thấy người hay mệt, ốm, thèm ăn… Ai ngờ đâu lúc đấy còn mang thai được chớ. Chị thiệt hổng biết mình nên buồn hay vui, nên khóc hay cười… Đời trớ trêu quá!” – chị nghẹn ngào.

Hành trình 14 năm tìm lại sự sống, ký ức và ước mơ của Xinh trên đất Sài Gòn

Hai vợ chồng Xinh thuộc diện hiếm muộn. Kể từ khi lấy nhau, người ở xóm lần lượt có gia đình rồi con cái. Có hôm, đứa bạn khoe: Tao được đứa thứ hai, Xinh mừng xíu rồi buồn cứ dòm dòm ngó ngó miết cái bụng. Nghe lời mách, Xinh cũng đi xin thầy này thuốc nọ, chạy từ Từ Dũ ra Hòa Bình, rồi có khi tận Hà Nội, uống hết thuốc, hết bạc triệu tiền ve chai. 7 năm sau, thằng Mầm may mắn ra đời. Chị không rõ: Mầm là do ông trời thương cái lòng chị hay là do thuốc ngấm trong cơ thể lâu mà thành.

Vậy mà, đứa con thứ 2 chị không bao giờ ngờ tới lại ra đời, ngay trong cảnh ngặt nghèo nhất ấy. “Chị lại ngửa bàn tay, không còn năm trăm bạc rách, không biết ngày mai mở hai con mắt ra là sẽ trông thấy chuyện gì xảy đến với chồng, mình và con”. Ông trời chơi ác! Ổng cố tình dúi vào tay Xinh, bắt chị chọn, hoặc chối bỏ hoặc chiến đấu tiếp. Nghĩ đến cái thai, chị chọn chiến đấu tiếp.

Và chị quyết giữ đứa bé bằng mọi giá.

Chưa kịp báo tin mừng thì Xinh nhận ra chồng đã mất hoàn toàn ký ức. Từng muỗng cháo Xinh đút anh ăn, nước anh uống và cả vệ sinh một tay Xinh chăm bồng… Những đêm buồn, quay sang thấy người đàn bà lạ, anh hỏi: Cô là ai, chị khóc ròng.

Vừa chăm chồng, vừa mang thai, Xinh vẫn nhất nhất quay lại đi nhặt ve chai kiếm tiền nuôi cả nhà. Ngày nắng mưa, mưa nắng đều đặn ở Sài Gòn. “Có hôm bán ế quá, chị còn đi móc ống cống được 50 ngàn công, rửa nhà hàng được 30 ngàn công, làm vườn 30 ngàn công… Chị chưa từ chối bất kỳ công việc gì”.

Người quen biết chuyện, về quê kể lại: Cái Xinh ở Sài Gòn khổ lắm, cái Xinh đi làm quần quật ngày đêm, cái Xinh gầy xọp đi, mặt hốc hác, mắt nó lồ lộ ra… Mẹ Xinh đứt ruột đứt gan.

Bà gọi cuốc điện thoại đường dài cho con: Sống ở Sài Gòn khổ lắm hả con? Có đủ tiền nuôi chồng nuôi con không con? Không chịu được thì về quê ở ba má lo… Xinh nghe, ngửa mặt chờ chực nước mắt chảy ngược, rồi giả đò ngó lơ: Có đâu má, con sống tốt lắm, đi làm nhiều bận quá chứ hôm nào rảnh con dẫn cha con nó cùng về.

Bà mẹ chỉ biết ậm ừ, nửa tin nửa ngờ. Nhưng lời Xinh hứa, mấy mươi năm rồi chị vẫn chưa thực hiện được. Vì ở vùng quê xa xăm Xinh mơ về hằng đêm ấy, bố mẹ chị cũng làm lụng vất vả. Họ sống nhờ vào đôi sào ruộng gieo hai vụ lúa. Nhưng đến mùa thất bát, họ vẫn phải chạy vạy thêm thóc mới đủ ăn thì con gái như chị có quyền gì nhờ vả? Và vì đó là số mệnh nên chị chấp nhận.

Hành trình 14 năm tìm lại sự sống, ký ức và ước mơ của Xinh trên đất Sài Gòn
Hành trình 14 năm tìm lại sự sống, ký ức và ước mơ của Xinh trên đất Sài Gòn

Xinh tập cho Công lại từ đầu, như đứa trẻ lên 3 cần phải biết ăn-uống-đi vệ sinh. Mỗi sáng, chị dạy chồng phải mở miệng ăn cháo, rồi từ từ cầm muỗng đũa. Buổi chiều là cầm tay anh đỡ từng bước, chỉ cần vấp ngã chị sẽ nâng. Chị bỗng chốc trở thành mẹ.

5 tháng sau, Công chập chững bước ra đến tận cửa. Rồi một hôm, anh bất giác gọi: Xinh ơi! Chị nghe xong, mừng đến phát khóc. Cũng 5 tháng ấy, trong cái đêm đen Sài Gòn, chị vừa đẩy con xe đạp cà tàng đi bán sắt vụn thì bé Su chào đời.

Với Xinh, tất cả là kỳ tích mà chị không thể hiểu vì sao mình có thể làm được. Là tìm lại sự sống, ký ức và ước mơ cho chồng cho con. Chỉ những lần bất lực, Xinh sẽ đạp xe ra khỏi nhà, chị đi nhặt ve chai đâu đó, vừa đi vừa khóc. Khóc cho đến khi đèn đường bật, giờ tan tầm dòng người đổ ra đường bấm còi inh ỏi tranh đường làm chị tỉnh mê, lại quệt nước mắt trở về.

Giờ đây, thằng Mầm lên lớp 1. Thằng Mầm thích viết trong cuốn tập dòng chữ răm rắp, mẹ nó vui. Cái Su 1 tuổi, tuy sữa uống bữa đực bữa cái nhưng Su lớn nhanh như thổi, “con nhà nghèo nên cứng cáp hẳn” – chị cười. Anh Công đã biết nhặt rau giúp vợ, biết nấu cơm, ở nhà trông hai đứa nhỏ phụ vợ…

Hành trình 14 năm tìm lại sự sống, ký ức và ước mơ của Xinh trên đất Sài Gòn

“Thằng Mầm thương mẹ lắm! Có lần Mầm hỏi chị: Má, con cần bút chì, nhà mình hết gạo rồi hả má,… Chị rầu thì nó lại kêu thôi. Nó chưa bao giờ đòi hỏi chị bất cứ điều gì cho bằng bạn bằng bè”. 6 tuổi, Mầm còn biết lo cho má nó nhiều như vậy. Nó hay kể với chúng bạn về đôi bàn tay chai sạn của má, món đồ chơi vứt sọt rác má hay mót về cho nó và má nó nhặt ve chai nuôi cả nhà thế nào.

Cuộc sống của Mầm chưa bao giờ có nhiều thú chơi, nó sống quanh quẩn cùng tụi trẻ xóm nghèo, sẽ trông Su phụ má, và những buổi không đến trường nó sẽ ở nhà cho ba vui, chờ đợi má nó đạp con xe về hẻm, đen thui.

Ở xóm nghèo ấy, ngoài Xinh còn có hàng chục người Thanh Hóa tha phương vào Sài Gòn, họ đều nghĩ: Ở quê, hai sào ruộng không thể nuôi nổi con cái họ. Còn Sài Gòn, dù chưa thấy cơ hội đổi đời, nhưng như Xinh vẫn tin: “Hôm nào đói, chị còn có thể móc ống cống, dọn nhà hàng, nhặt ve chai, thậm chí là chìa tay đi ăn xin. Bằng số tiền ấy chị sẽ nuôi được chồng, được Mần, được Su”.

Hỏi về lời hứa trở về quê, mắt chị bỗng mông lung: Chắc còn xa lắm. Có rất nhiều lý do Xinh đưa ra: Không có tiền, ba má thấy con gái khổ sẽ buồn… Và vì quê nghèo quá nghèo, cái nghèo vô tình buộc Xinh phải đi và chưa bao giờ mong muốn trở về. Dù khổ.

6 giờ tối, Xinh trở về nhà. Đèn đã bật, Công thu gối ngồi chờ chiếc xe cà tàng của vợ đậu trước cửa. Thằng Mầm vẫn đang bận tranh một bộ phim hoạt hình với em Su, chiếc tivi hột mè hột é kêu the thé. Ở đó, bốn con người lầm lũi sẽ lại gặp nhau. Bên mâm cơm, có ít trứng dầm mắm, đĩa rau muống luộc, lấy nước rau làm canh, họ ăn ngon lành.

Trên cao, ánh đèn sợi tóc màu vàng chóe ám lên da họ, tóc họ, người họ, vàng cháy.

Ở Sài Gòn, trong các khu công cộng như sở thú, công viên Tao Đàn, Nhà thờ Đức Bà, đường Lê Duẩn… chim vẫn đậu rất nhiều. Người Sài Gòn thương mà nuôi nấng chúng không công. Có lẽ vậy mà họ cũng bảo: Sài Gòn, đất lành chim đậu.

Nhỏ Xinh năm 23 tuổi đồng ý vội lấy anh trai cạnh nhà, giờ hỏi nếu thay đổi quá khứ thì sao? Chị vẫn khăng khăng: Vẫn vào Sài Gòn lập nghiệp thôi. Dù Sài Gòn đất lành chim đậu, Xinh không biết ai nói. Xinh vẫn chưa tìm ra. Nhưng Xinh tin đó là sự thật.

Hành trình 14 năm tìm lại sự sống, ký ức và ước mơ của Xinh trên đất Sài Gòn

14 năm mưu sinh ở Sài Gòn, cũng là ngần ấy năm tháng chị Xinh quằn nặng gánh ve chai nuôi người chồng bị chấn thương sọ não, viết ước mơ đến trường cho hai đứa con thơ. Cuộc sống dẫu vô vàn vất vã, song người phụ nữ bé nhỏ chưa khi nào từ bỏ. Bởi Xinh là một người vợ, người mẹ của một gia đình.

Sau khi tìm hiểu được câu chuyện của gia đình chị Xinh, nghệ sĩ Trấn Thành, Hari Won cùng chương trình Khi Đàn Ông Mang Bầu đã tìm đến và giúp đỡ. Giờ đây, gia đình nhỏ đã bước tiếp sang trang mới. Nhờ chương trình, ngôi nhà đã khang trang hơn, người chồng đã quay trở lại làm việc, những đứa con có cơ hội đến trường, và chị đỡ nhọc nhằn gánh ve chai.

Để lắng nghe thêm chuyện tươi đẹp về tình cảm gia đình, tình mẫu tử thiêng liêng ấy, hãy đón xem Khi Đàn Ông Mang Bầu, được phát sóng trên VTV3, mỗi tối thứ 5 hàng tuần.

 

Nguồn: Saostar.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc