Nói đến lĩnh vực vô sinh hiếm muộn, không thể không nói đến vai trò khai phá, xây dựng từ những viên gạch đầu tiên của công trình “thụ tinh trong ống nghiệm” của GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM. Nói đến GS. BS Nguyễn thị Ngọc Phượng còn là nói đến sự thành công của những chương trình hết sức ý nghĩa, như chương trình “Cô đỡ thôn bản” và những đóng góp với vai trò Phó Chủ tịch Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam/ Dioxin Việt Nam, khi bà luôn đấu tranh cho quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam.

Với truyền thống của gia đình, TS. BS Vương Thị Ngọc Lan – con gái BS Ngọc Phượng và người chồng là ThS. BS Hồ Mạnh Tường đã và đang tiếp nối rất thành công việc điều trị vô sinh hiếm muộn, phát triển lên tầm quốc tế. Thông điệp của “Trò chuyện cùng BS” tháng này, đó là: Không có kết quả nào là dễ dàng và truyền thống gia đình với niềm đam mê, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu thương bệnh nhân đã làm bệ đỡ cho những thành công.

1/ Nhắc đến GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng là nhắc đến công trình “thụ tinh trong ống nghiệm” mà BS đã dày công nghiên cứu nhiều năm ở nước ngoài và áp dụng tại BV Từ Dũ. Với các gia đình hiếm muộn, BS Ngọc Phượng được gọi bằng cái tên kính trọng, yêu thương, người đã đem hy vọng, mở ra cơ hội làm cha mẹ cho hàng ngàn gia đình. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để làm được việc này là cả một hành trình gian nan, đầy sóng gió. Đã 20 năm, nhưng chắc BS vẫn còn nhớ ấn tượng về những ca đầu tiên thụ tinh trong ống nghiệm thành công và quá trình để có được thành công này?

Một trong 3 bé Thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên chào đời

BS Ngọc Phượng: Thật ra, công trình Thụ tinh trong ống nghiệm là do tôi cảm nhận được nỗi khổ của chị em phụ nữ vì không sinh đẻ được, nên tôi để nhiều tâm huyết nghiên cứu, tìm cách đưa kỹ thuật này về Việt Nam trong lúc mọi người chưa ai nghĩ là Việt Nam chúng ta có thể thực hiện vì chưa đủ khả năng về chuyên môn cũng như về trang bị, tài chính. Còn về kỹ thuật thì những ca đầu tiên, có các chuyên gia người Pháp, nơi đại học Nice Sophia Antipolis là nơi tôi từng là giáo sư, giảng dạy ở trường Y khoa, sang giúp khởi đầu và cũng để đào tạo bác sĩ Việt Nam. Cũng ngay từ buổi đầu này, tôi đã được Đảng Ủy bệnh viện chấp thuận cho đào tạo các bác sĩ trẻ tuổi. Với kinh nghiệm thực hành nhiều năm cùng với sự đào tạo lý thuyết căn cơ từ các nền y học tiên tiến, họ có thể sẽ bứt phá, đưa kỹ thuật này tiến nhanh, vượt qua các nước trong khu vực và trên thế giới. Bác sĩ lớn tuổi, tay không còn cứng, mắt đã bị lão hóa, sẽ khó đảm đương thực hiện kỹ thuật rất tinh vi trong thụ tinh ống nghiệm.

Sự khởi đầu bao giờ cũng khó, nhất là đối với một kỹ thuật chưa ai nghĩ tới. Không chỉ khó khăn về vật chất, mà còn là tinh thần, tâm lý. Trong khi chúng ta đang nghĩ về kế hoạch hóa gia đình, ngừa thai thì lại có người đưa ra chuyện điều trị cho người vô sinh đẻ con được, thì quả thật là chuyện trái khoáy! Thuyết phục cán bộ nhân viên trong bệnh viện, Sở Y tế, Ủy Ban Nhân Dân TP, Bộ Y tế… Để có được lệnh cho bắt đầu các ca TTON đầu tiên, phải chờ Bộ trưởng Bộ Y tế, Giáo sư Đỗ Nguyên Phương, xin ý kiến của Ban Bí Thư, vì như ông nói, đây không phải là sản xuất ra cái máy, mà sẽ sản xuất ra con người.

Do tình hình khó khăn như vậy, nên trong những ngày sau chuyển phôi cho các ca đầu tiên, tôi và bác sĩ Tạ Thị Chung, Phó Giám đốc, Bí thư Đảng Ủy bệnh viện, rất lo lắng. Nếu đợt đó mà không ai thành công, không ai có thai, thì chắc chương trình nầy sẽ bị dẹp bỏ. Muốn tiến hành trở lại chắc sẽ còn gian nan hơn gấp nhiều lần. Vì như thế, nên mỗi lần nghe báo một bệnh nhân có kinh, tức là kỹ thuật thất bại là đêm đó tôi rầu lo, không ăn không ngủ được. Chỉ qua hơn một tháng mà đầu tôi đã bạc trắng, không còn một sợi đen. May mà đợt đầu tiên đó cũng có hơn 10 người có thai.

2/ Từng là đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Y tế và Xã hội của Quốc hội khóa VII, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VIII; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội khóa IX, những vấn đề BS quan tâm nhiều nhất trong những năm ấy, với trọng trách ấy, là gì, thưa BS?

BS Ngọc Phượng: Trong khi hoạt động ở Quốc hội, tôi đã học được rất nhiều điều, tôi đã cùng các đoàn đi khảo sát và kiểm tra nhiều địa phương. Qua thực tế, tôi đã hiểu được đất nước của mình khá thấu đáo, do đó tôi đã xác định trách nhiệm của đại biểu là phải đóng góp hết sức mình để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, đổi mới cơ chế điều hành kinh tế đất nước. Khi đi công tác ở nước ngoài, tôi cũng quan tâm khảo sát trình độ y học của họ, những gì VN chưa có, những gì có thể áp dụng tại VN. May mắn là các khóa Quốc hội mà tôi từng là đại biểu là những khóa của đổi mới. Được chứng kiến và được đóng góp một phần rất nhỏ vào sự nghiệp đổi mới đó là một vinh dự đối với công dân của đất nước. Cũng nhờ trong môi trường hoạt động đó mà tôi càng hiểu rõ thêm những công lao, thành tích, những hy sinh vô cùng to lớn của các thế hệ cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Tôi xác định nhiệm vụ của mình hiện nay là phải làm tốt nhất công việc được giao, vì nếu ai cũng làm tốt nhiệm vụ của mình thì đất nước sẽ mau tiến bộ, dân tộc ta sẽ giàu mạnh. Đó cũng là một cách để đền đáp công ơn người đi trước.

3/ BS cũng là người đầu tiên mang kỹ thuật nội soi trong phụ khoa về Việt Nam. Điều này, lúc đó có ý nghĩa như thế nào cho ngành sản phụ khoa cũng như cho các bệnh nhân, thưa BS?

BS Ngọc Phượng: Thật tình, cũng nhờ đọc sách nhiều, có suy nghĩ và dự đoán bước tiến của kỹ thuật phẫu thuật trong tương lai ở thế kỷ 21, nên tôi đã xin Sở Y tế mời một đoàn Giáo sư Pháp chuyên về Phẫu thuật nội soi trong phụ khoa sang bệnh viện Từ Dũ để mổ biểu diễn. Thấy họ mổ rất nhanh, không sẹo, không mở toang ổ bụng ra ngoài không khí nên ít nhiễm trùng, tôi thấy mình cần triển khai kỹ thuật này ở bệnh viện. Bắt đầu, tôi đã xin được một máy nội soi tương đối cũ của của Giáo sư Trần Đình Khiêm, người Pháp gốc Việt giảng dạy tại trường Y khoa Nice Sophia Antipolis, nơi tôi từng là giáo sư. Rồi tôi gửi bác sĩ của bệnh viện Từ Dũ sang Nice, cũng nhờ ông cùng các bạn bác sĩ tại bệnh viện của trường đại học đó đào tạo. Những năm sau, ông có giới thiệu chúng tôi sang bệnh viện ở Clermont Ferrand, nơi nổi tiếng khắp thế giới về phẫu thuật nội soi trong phụ khoa, để gửi bác sĩ sang nhờ đào tạo. Tay chân người Việt Nam khéo léo nên chẳng lâu sau, các bác sĩ Việt Nam đã được Giáo sư Bruhat giới thiệu ra các nước và bệnh viện Từ Dũ đã trở thành nơi đào tạo cho trong nước cũng như cho khu vực Đông Nam Á về kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong phụ khoa.

Hiện nay, tất cả các tỉnh trong cả nước ta đều đã có phẫu thuật nội soi để mổ u nang buồng trứng, u xơ tử cung nhỏ, ung thư tử cung sớm… Kỹ thuật tiên tiến này đúng là một kỹ thuật của thế kỷ 21, ít biến chứng, ít chảy máu, hậu phẫu hồi phục nhanh mà lại thẩm mỹ vì không để lại sẹo. Phụ nữ chắc ai cũng thích không bị sẹo sau mổ.

4/ Giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, BS cũng là nhà khoa học hàng đầu chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc da cam/ dioxin đối với sức khỏe của người Việt, đưa tiếng nói của nạn nhân da cam/ dioxin Việt Nam ra thế giới để kêu gọi chính phủ Mỹ phải thực thi công lí vì quyền sống và quyền làm người của họ. BS cũng đã có công trình nghiên cứu về Ảnh hưởng của chất độc hóa học trên sức khỏe phụ nữ và các biện pháp khắc phục. BS có thể chia sẻ thêm về giá trị của công trình nghiên cứu này?

Cô Phượng đi bộ đồng hành cũng bệnh nhân chất độc màu da cam

BS Ngọc Phượng: Là Phó Chủ tịch Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam/ Dioxin Việt Nam và cả ở thành phố Hồ Chí Minh, từ những năm đầu của thập kỷ 60, tôi quan tâm đến việc nhiều sản phụ sinh con quái thai, dị tật. Gia đình thường rất đau khổ, vì ngoài chuyện con mình khuyết tật, lại còn họ hang làng xóm dè bỉu, cho rằng mình ăn ở thất đức nên mới bị Trời phạt như thế. Lúc đó, tôi cũng chưa hiểu tại sao, chỉ biết cùng đau khổ với bệnh nhân, an ủi bệnh nhân! Sau năm 1975, có nhiều đoàn cựu chiến binh Hoa Kỳ đến thăm bệnh viện Từ Dũ và hỏi về các sự kiện quái thai, dị tật bẩm sinh, ung thư bánh nhau… ở phụ nữ, nhất là ở các vùng đã từng bị rải chất độc hóa học. Ban Giám đốc bệnh viện Từ Dũ lúc đó đã phân công tôi trả lời về vấn đề này. May mắn, tôi tìm được tài liệu cũ của Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoa Kỳ tường trình rất cặn kẽ về các chất độc hóa học mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt nam. Từ đó, tôi biết rằng, những nỗi đau khổ của bệnh nhân mình rất có thể là do các chất độc đó.

Những đứa trẻ nhiễm chất độc màu da cam tại BV Từ Dũ

Với những cảm xúc tự nhiên của một bác sĩ đối với nỗi khổ của bệnh nhân của mình, là nạn nhân và với những kẻ đã phạm tội ác hủy diệt môi trường, sinh thái và con người ở đất nước mình, tôi cố gắng tìm hiểu thêm, đề xuất những nghiên cứu khoa học để khẳng định điều mình suy nghĩ. Từ đó, tôi tự khẳng định, các chất độc hóa học, nhất là chất da cam có chứa nhiều Dioxin cực độc, gây nhiều ung thư, dị tật bẩm sinh… cho người bị phơi nhiễm. Sự thật là rõ ràng, mối liên hệ nhân quả giữa các chất độc hóa học, chất Da Cam, với dị tật bẩm sinh, ung thư… là có thật, được cả thế giới công nhận, nhưng chính phủ Hoa Kỳ và các công ty sản xuất các chất độc này cố gắng chạy tội bằng cách không thừa nhận. Do đó, mình phải đấu tranh, phải đi đến tận cùng trời cuối đất cũng đi, để đòi hỏi, giành lại công lý cho nạn nhân, là những người còn nghèo khó và đau khổ nhất. Cựu chiến binh Hoa Kỳ đã tham gia chiến tranh Việt nam lúc họ rãi chất độc hóa học, đã được bồi thường về 18 bệnh và tật bẩm sinh của con họ. Các công ty sản xuất ra các chất độc nầy phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường cho những người bị phơi nhiễm, bị tác hại. Trong khi các kẻ đi rải chất độc xuống đất nước và con người ở Việt Nam được bồi thường, thì không lý do gì nạn nhân bị phơi nhiễm lại không được bồi thường.

5/ Mô hình “Cô Đỡ thôn bản” đưa cán bộ phụ nữ người dân tộc thiểu số về để đào tạo kỹ năng vận động quần chúng và về chuyên môn, từ lớp đầu tiên năm 1992, sau đó được phát triển với hàng ngàn cô đỡ ở vùng dân tộc, là việc làm hết sức sáng tạo và cũng hết sức ý nghĩa. BS có thể kể lại câu chuyện này cho mọi người cùng nghe?

BS Ngọc Phượng: Do trách nhiệm là giám đốc bệnh viện được phân công phụ trách chuyên môn sản phụ khoa cho 32 tỉnh phía Nam, tôi đã đi đến nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để khảo sát, khám bệnh. Tôi nhận thấy tỷ lệ chết mẹ, chết con còn khá cao ở những vùng này so với thành phố. Tôi suy nghĩ, chắc phải có chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản là người cùng dân tộc thiểu số, cùng tiếng nói, phong tục mà có chút ít kiến thức chăm sóc cho phụ nữ mang thai, trong chuyển dạ, và sau sinh. Chỉ những người đó mới có thể thuyết phục sản phụ người dân tộc đến các cơ sở y tế của mình để được chăm sóc. Và bệnh viện Từ Dũ đã bắt đầu đến với tổ chức phụ nữ để đề xuất hợp tác, giúp đỡ người dân tộc thiểu số ở các địa phương. Các em được đưa về bệnh viện Từ Dũ để học trong 6 tháng. Lúc đầu các em nhớ nhà nhưng nhờ sự chăm sóc, thương yêu của các chị em nữ hộ sinh, bác sĩ trong bệnh viện đã giúp các em yên tâm học tập. Sau 6 tháng, với vốn kiến thức và thực hành “cầm tay chỉ việc”, các em đã có thể trở về chăm sóc phụ nữ ở cộng đồng dân tộc của mình. Trưởng trạm y tế, chủ tịch hội phụ nữ xã, già làng, trưởng bản đều khen ngợi các em và cho biết bản làng đã có nhiều thay đổi tốt đẹp khi các em trở về công tác. Cho đến hiện tại mỗi 6 tháng một lần, tôi về các tỉnh Gia Lai, Kontum… thăm hỏi, ôn bài, tặng quà và tiền cho các em, thấy hầu hết các em vẫn còn hoạt động tốt. Em nào tốt nhất, được chọn ở mỗi tỉnh, sẽ được tặng 1 xe gắn máy mới toanh, hiệu Wave Alpha. Cứ 6 tháng là có một em được tặng xe ở mỗi tỉnh.

Tôi rất mừng vì Bộ Y tế đã công nhận sự đóng góp của các em, chính thức có chức danh “cô đỡ thôn bản” trong hệ thống y tế! Các tổ chức quốc tế như Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Xây Dựng Y Tế tuyến cơ sở của Hà Lan đã thừa nhận hiệu quả của chương trình và đã tài trợ nhiều khóa học cho nhiều tỉnh thành dọc biên giới phía Bắc. Mới đây, quỹ từ thiện của VinGroup cũng đã ký với Bộ Y tế hợp đồng ghi nhớ viện trợ cho chương tình cô đỡ thôn bản khoảng 150 tỷ đồng. Tỷ lệ tử vong và tai biến cho mẹ và sơ sinh ở những nơi có cô đỡ thôn bản công tác đã giảm xuống rõ rệt cùng với sự giảm chung của cả nước.

6/ Đã ngoài 70 tuổi, nhưng BS vẫn gắn bó với công việc của BS Sản khoa, vẫn làm việc không ngừng. Bài học mà BS muốn gửi gắm cho các thế hệ BS tiếp nối là gì, thưa BS?

BS Ngọc Phượng: Tôi nghĩ rằng, các bạn đồng nghiệp trẻ ngày nay giỏi hơn chúng tôi ngày trước. Các bạn có điều kiện học tập, tiếp xúc với giới y học các nước tiên tiến. Kinh nghiệm bản thân tôi muốn nói với các bạn là, chỉ cần mình thương yêu, thực sự quan tâm đến bệnh nhân, đam mê nghề nghiệp, các bạn sẽ trở thành những cán bộ y tế tài ba của đất nước và có thể của cả thế giới. Nghề Y của mình là phải học, phải đọc sách, phải nghiên cứu thì mới tiến bộ kịp với thế giới.

Với giới y khoa và với mọi người, TS. BS Vương Thị Ngọc Lan – con gái BS Ngọc Phượng cũng là gương mặt nổi bật. Chị cũng là người đang tiếp nối và tiếp nối rất thành công việc điều trị vô sinh hiếm muộn mà BS Ngọc Phượng đã dành cả đời để theo đuổi. BS Ngọc Lan từng được trao Giải thưởng Kovalevskaya cho tập thể nữ lao động sáng tạo năm 1998, được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất VN năm 2017.

7/ Thưa BS Ngọc Lan, đến nay, BS đã thành công với con số hơn 10.000 trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Nhưng thời gian đầu thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm không dễ dàng, tỉ lệ thành công lúc đó chỉ khoảng 15%. Khi ấy, BS có cảm thấy con đường mình đi rất khó khăn và đầy chông gai và có lúc nào BS thấy nản lòng?

BS Ngọc Lan: Điều trị hiếm muộn là một quá trình kéo dài. Chúng tôi thường tư vấn với bệnh nhân “điều trị hiếm muộn như là một cuộc chạy marathon chứ không phải như chạy nước rút, nghĩa là có nhiều vòng, có thể phải lặp đi lặp lại”. Thật ra, có thể nói là chúng tôi gặp thất bại hằng ngày vì cho dù tỉ lệ có thai cao 60 – 70% thì 10 người điều trị cũng còn 3 – 4 người thất bại. Đối với các trường hợp thất bại như vậy, chúng tôi nhiều khi cũng buồn lắm, lo âu lắm, nhưng cũng không thể cho bệnh nhân biết, vì họ cần một chỗ dựa, một niềm tin để tiếp tục điều trị. Đối với điều trị hiếm muộn, không bỏ cuộc là luôn có cơ hội thành công. Tôi vẫn nhớ, có chị bệnh nhân chuyển phôi nhiều lần thất bại, chắc chị cảm nhận được sự lo âu, nản lòng của tôi, mỗi lần đến khám, thay vì tôi động viên chị, thì ngược lại, chị luôn động viên tôi: “Bác sĩ cố lên, đừng bỏ em, em sẽ luôn cố gắng”. Đó là động lực cho chúng tôi tiếp tục công việc của mình.

Thời gian đầu làm thụ tinh ống nghiệm ở Việt Nam, phải nói là muôn vàn khó khăn. Chưa có sự đồng tình và ủng hộ của nhiều người. Ngoài ra, trang thiết bị, dụng cụ khó tìm mà các loại dụng cụ, môi trường này rất đặc biệt, phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn tuyệt đối vì dùng để làm ra phôi, làm ra con người. Áp lực bệnh nhân chờ đợi lại rất đông. Nhiều lúc nghĩ công việc của mình sao khó khăn quá! Trong khi đó, năm 1998, tôi đi học Thạc sĩ ở Singapore, tốt nghiệp loại xuất sắc nên được trường cho tiếp tục học lên và có chỗ làm việc. Đại học quốc gia Singapore là nơi thực hiện thành công thụ tinh ống nghiệm đầu tiên ở Châu Á, nơi mà phương tiện, điều kiện làm việc là hết sức tốt. Nhưng tôi nghĩ, đi học là để phục vụ bệnh nhân VN chứ đâu phải đi học là cho cá nhân mình. Tôi quyết định về VN. Trước khi về, thầy tôi có nói tôi nên suy nghĩ kỹ vì ở điều kiện tốt như vậy thì tương lai khoa học của mình sẽ tiến nhanh và xa. Thời gian đầu khó khăn đó, nhưng chúng tôi không nản lòng, tìm mọi cách xoay xở, phát triển và cho đến hiện tại, thụ tinh ống nghiệm VN đã hội nhập ngang bằng với khu vực và trong một số kỹ thuật thì ngang với thế giới.

8/ Hiện BS được giao trọng trách là Phó chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản tại Đại học Y Dược TP HCM. Điều gì BS đang trăn trở nhiều nhất khi làm công tác giảng dạy ở trường Đại học?

BS Ngọc Lan: Điều trăn trở lớn nhất của tôi là làm sao đào tạo các sinh viên có khả năng tự học, tiếp cận cái mới, tự tin và hội nhập quốc tế. Kiến thức y học thay đổi rất nhanh và nhất là khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ. Các sinh viên ở nước ngoài đã có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong điều trị cho bệnh nhân. Các sinh viên y khoa của mình rất thông minh, chăm chỉ nhưng cần chủ động, tư duy và sáng tạo hơn. Học đại học không phải là học phổ thông cấp 4.

9/ Chị học được điều gì từ người Mẹ, người Thầy của mình? Điều mà chị chỉu ảnh hưởng nhiều nhất từ Mẹ của mình là gì?

BS Ngọc Lan: Mẹ tôi thường nói, làm bác sĩ là phải giỏi, bởi vì chỉ có giỏi thì mới giúp được nhiều người, mà đó cũng là sứ mệnh của nghể y. Không thể cứ nói suông là tôi thương bệnh nhân lắm, nhưng không có kiến thức, kỹ năng gì để giúp trị bệnh cho họ thì cũng chưa phải là đủ. Do đó, tôi luôn ý thức rèn luyện để có chuyên môn giỏi, đạo đức tốt để cứu giúp được nhiều người.

Tôi thừa hưởng từ mẹ sự yêu nghề. Chính sự yêu nghề này làm cho mình có thái độ làm việc, nghiên cứu một cách nghiêm túc. Yêu nghề, yêu thương bệnh nhân, giúp đỡ đồng nghiệp, tạo điều kiện cho thế hệ đàn em phát triển… như vậy, mình luôn được mọi người yêu mến. Xét cho cùng, giải thưởng gì cũng không bằng được sự yêu mến của mọi người. Đó là phần thưởng lớn nhất cho cuộc đời hành nghề của mình.

10/ Xin được nói thêm, chồng Bác sĩ Ngọc Lan là ThS. BS Hồ Mạnh Tường. Hiện nay bác sĩ Hồ Mạnh Tường cũng là một bác sĩ tên tuổi trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản và thụ tinh trong ống nghiệm. Cả gia đình với các thành viên đều rất nổi tiếng, làm sao để vẫn “dung hòa” thời gian cho Công việc – cho Gia đình. Bí quyết nào thưa BS Ngọc Lan, bởi với nhiều người, đây là bài toán khó nhất, thậm chí là nan giải nhất?

BS Ngọc Lan: Bài toán khó quá nên thật ra, tôi cũng giải được hết đâu. Nói vui vậy, thú thiệt, không thể có sự cân bằng giữa công việc và gia đình được. Tôi may mắn là ông xã cùng nghề nên thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ tôi. Các con tôi cũng hiểu công việc của ba mẹ, luôn ưu tiên công việc của ba mẹ lên hàng đầu. Đôi khi tôi nhìn thấy hình ảnh của mình ngày xưa ở các con bây giờ. Ngày xưa, mẹ tôi cũng bận công việc, ba chị em chúng tôi còn nhỏ, cũng tự gánh vác mọi việc nhà, chuyện học để mẹ khỏi bận lòng, ưu tiên công việc của mẹ, sinh mạng, bệnh tật của bệnh nhân lên hàng đầu. Bây giờ các con mình cũng vậy… Con gái lớn của tôi năm nay cũng theo học ngành Y, cháu yêu công việc của bà ngoại, của ba mẹ, yêu luôn những vất vả, hy sinh của nghề Y này để tiếp bước truyền thống gia đình.

11/ Nhân ngày 20-10, BS Ngọc Phượng và BS Ngọc Lan có lời chúc, cũng là lời nhắn nhủ, chia sẻ nào dành cho chị em phụ nữ?

BS Ngọc Lan: Tôi xin chúc các chị em phụ nữ luôn xinh đẹp, khỏe mạnh, hạnh phúc với gia đình, cuộc sống và công việc của mình.

Kim Ánh

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc