Bây giờ bao nhiêu “lời khuyên” dạy dỗ con người, cứ loạn cả lên. Thì… “đa nguyên” rồi chứ còn gì nữa mà né tránh hoài. Bà xã bắt đầu câu chuyện. Có người hỏi bả: “Sao nghỉ hưu rồi chị không nghỉ cho khỏe mà còn tham công tiếc việc quá chi vậy?”. Bả hỏi vặn lại: “Thế nhà anh chị thiếu gì tiền, con cái trưởng thành hết, sao anh ấy vẫn cứ đi làm?”.

Làm cho… vui, cho đầu óc khỏi mụ mẫm. Nhưng mà đi làm đâu phải cuộc dạo chơi đâu mà vui? Làm là mệt nhọc cật lực vắt óc ra chưa ăn ai, chứ… “làm cho vui” thì chắc có ông chủ nào “khùng” mới đi thuê người như vậy.

Người thì nói, tiền bao nhiêu cho đủ, mình biết đủ là đủ. Làm như những người già về hưu vẫn đi làm toàn là những người… tham lam. Chỉ người không đi làm nữa mới là những người hiểu biết. Nói mãi hóa ra chỉ làm mất lòng nhau thêm, mà ai cũng nói mình có lý cả. Chẳng ai thua ai.

Thế giới và trong nước thiếu gì người già vẫn đang làm việc sau khi đã nghỉ hưu. Ngành y và giáo dục là rõ nhất. Toàn giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, hết tuổi nhà nước xài thì ra tư nhân, người ta còn cần những người có tay nghề giỏi. Mà tuổi già đâu phải ai cũng có đủ điều kiện để “nghỉ chơi” hay đi du lịch. Thiếu gì người già nghèo, hoặc vẫn còn có điều kiện kiếm tiền thì ráng làm, giúp con cháu.

DN667_GD290716_Gia

 “Lúc trẻ kiếm tiền cật lực hy sinh sức khỏe, để rồi về già lại dùng tiền mua tí sức khỏe” – những câu như vậy không phải mới lạ gì với những người già còn đi làm. Họ chẳng phải dốt. Họ biết hết thông tin. Nhưng họ biết “tuổi già là một cuộc đắm tàu”, không ai cứu họ, phải tự chuẩn bị từ lúc còn trẻ. Chuẩn bị gì? Giữ gìn sức lực, phấn đấu có chuyên môn cao, để dành tiền nong. Vì họ còn biết câu “Tuổi già, nhất định phải… có tiền”. Họ biết con số thống kê: Nếu một người sống 72 tuổi thì người đó thường chịu 14 năm đau yếu bệnh tật trong đời.

Người già thời hiện đại thường có xu hướng phải sống một mình, đồng nghĩa với độc lập tự do còn là phải đối mặt với những nguy hiểm ngày càng nhiều.

Thống kê cũng đưa ra con số 43% người cao tuổi vẫn đang làm việc. Già rồi vẫn đang “bươn chải kiếm xèng”. Họ nghĩ hãy cố ráng thêm khi còn có thể. Không ít người đột tử trong những ngày cố gắng ấy, chưa kịp thụ hưởng gì. Người đi đám tang họ thường chép miệng, người khen ông bà ấy giỏi lắm, làm việc đến lúc chết và người chê tham công tiếc việc quá, để làm gì, vô nghĩa.

Kể những lập luận ấy xong, bà xã quay ra chê trách ông chồng: Ông thì chẳng theo được lý thuyết nào. Chuẩn bị từ trẻ để về hưu là đủ an nhàn, thì ông cứ “tà tà suốt đời” chẳng phấn đấu gì – không bon chen cạnh tranh. Thế nên về già dễ thành gánh nặng cho người thân. Suốt đời để phấn đấu có lương hưu đã là ghê. Nhưng lương hưu ông vài triệu đồng, tính xem, ngoài ăn tiêu, thuốc men, vài cái đám cưới đám ma, đám giỗ đi thăm người ốm người đẻ, thêm chuyến về quê, mua thêm thuốc bổ, thực phẩm chức năng… là hết, là thiếu liền.

Mà theo lý thuyết già rồi còn bươn chải kiếm xèng thì ông thuộc diện lười, ngụy trang bằng lý sự, làm gì cho cực, nghỉ cho khỏe. Nhưng mà ông có khỏe đâu. Nghĩa vụ kiếm tiền chăm lo gia đình lại “ưu tiên nhường” cho vợ.

Chỉ biết một điều, chữ hiếu bây giờ nhạt nhòa, người già hãy lo liệu lấy thân. Hiểu điều đó, rồi có đi kiếm tiền hay rong chơi thanh nhàn, hãy tính sau. Tùy vào hoàn cảnh, chẳng nên khen chê tùy tiện.

Nguồn: Quảng Yên (DNSGCT) 

http://www.doanhnhancuoituan.com.vn/loi-song/chuyen-nha-toi/gia-van-buon-chai-kiem-xeng.html

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc