Xuất hiện trong khoảng 10 năm nay, facebook phát triển với tốc độ chóng mặt và trở thành mạng xã hội lớn nhất tại Việt Nam. Đa số các bạn trẻ đang “nghiện” thứ mạng xã hội ảo này, họ ngày đêm ăn, ngủ, làm việc, học tập, sinh hoạt cùng facebook. Facebook đang trở nên khó kiểm soát và là “con dao hai lưỡi” đối với một bộ phận giới trẻ đang sử dụng nó.

Khoe đủ thứ

Có thể nói, facebook đã trở thành người bạn “bất ly thân” của đại đa số giới trẻ hiện nay. Tất cả những cảm xúc hỉ nộ ái ố, những hình ảnh từ đời thường cho đến riêng tư đều được họ mang lên facebook. Facebook cũng là nơi mà các mặt của đời sống, từ thông tin kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… nóng hổi hằng ngày cũng không hề thiếu trên mạng xã hội này. Nhưng “lợi bất cập hại”, một bộ phận giới trẻ đang bị mạng xã hội ảo chi phối lên đời sống thật khiến họ lệch lạc trong tư duy, nhận thức và dẫn đến không ít những hệ lụy khôn lường.

Tốc độ chia sẻ thông tin nhanh và khả năng kết nối mạnh mẽ khiến lượng thông tin được đưa lên facebook có sức lan tỏa khủng khiếp. Cũng chính điều này, facebook có thể nhanh chóng tạo ra những trào lưu trong giới trẻ. Có những trào lưu có ý nghĩa, như chuyện trào lưu cùng nhau kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân vùng bão lủ hay một mảnh đời bất hạnh nào đó mà một bạn trẻ chia sẻ lên facebook. Hay là một trào lưu liên quan đến một gu thời trang nào đó ấn tượng mà các thành viên của facebook sưu tầm được chẳng hạn!

Tuy nhiên, đi kèm với đó là những trào lưu nhố nhăng, phản cảm. Nổi bật trong dạng trào lưu này chính là trào lưu khoe mẽ, mà khoe thân hiện đang là “mốt” trên facebook. Facebook trở thành một mảnh đất màu mỡ cho nhiều nam thanh, nữ tú khoe ngực, khoe đường cong để chờ đợi những lượt “like”, bình luận tung hô. Nhiều bạn trẻ tỏ ra thích thú với điều này, thậm chí cho đó là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để được nhiều người biết đến. Họ xem đó là một sự thành công của bản thân mình!

phunuhiendai.nghienfacebookNhiều bạn trẻ ngày càng nghiện facebook (ảnh minh họa)

Gần đây, facebook trở thành công cụ của nhiều “gái gọi” chào hàng. Với tính năng kết nối mạnh mẽ, ban đầu những hội nhóm này từ số lượng ít đã phát triển tới hàng trăm người. Họ liên lạc, chia sẻ hình ảnh nóng bỏng, thông tin cá nhân qua tin nhắn trên facebook rồi mời gọi, “show hàng” để chờ “khách”.

Bên cạnh khoe thân là khoe của một cách kệch cỡm, khoe tất tật những gì đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Họ sống ảo trong thế giới thật của mình khi mọi thông tin về bản thân, ăn gì, đi đâu, làm gì đều được chia sẻ từng giây từng phút lên facebook. Thậm chí, ngồi cùng nhau nhưng họ vẫn “ôm” lấy mạng xã hội và giao tiếp với nhau qua đó.

Mới đây lại xuất hiện trào lưu chụp ảnh “tự sướng” sau khi “mây mưa” của nhiều cặp tình nhân cũng khiến cư dân mạng đảo điên vì hình ảnh phản cảm quá đà. Hay chuyện xăm hình lên chỗ nhạy cảm cũng được không ít bạn trẻ chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội để tìm kiếm những sự ủng hộ, những cái “like” của bạn bè. Rồi nguy hiểm hơn là trào lưu tự hủy hoại bản thân; khi gặp chuyện buồn như bị bố mẹ mắng, chia tay người yêu, bị điểm kém… họ bi kịch hóa hoàn cảnh rồi tự hủy hoại bản thân bằng việc rạch tay, chân, thậm chí cả rạch mặt… rồi đưa lên facebook.

Gần đây nhất, cơn sốt Lệ Rơi là một ví dụ cho ảnh hưởng mạnh mẽ của mạng xã hội lên giới trẻ. Một giọng hát không thể tệ hơn nhưng lại được tung hô và thu hút giới trẻ một cách khó hiểu. Lệ Rơi hát sai nhạc, nhạc đi đằng nhạc, lời đi đằng lời với giọng ẽo ọt nhưng cư dân mạng vẫn thi nhau “share” và “like”. Ðể rồi họ đưa Lệ Rơi lên thành một hiện tượng kỳ quặc nhất của giới ca sĩ.

Nguy hiểm hơn cả khi facebook trở thành công cụ tiếp tay cho những kẻ cơ hội, những hội nhóm có tính chất phản động lôi kéo những bạn trẻ không đủ nhận thức, bản lĩnh dẫn tới nhiều hệ lụy như biểu tình, phát tờ rơi chống đối chính quyền…

Niềm đam mê nghiện ngập

Trong bộ phim “The Social Network” (nói về sự ra đời và phát triển của mạng xã hội facebook) có một câu nói khá nổi tiếng: “Ngày xưa chúng ta sống trong hang động, sau đó sống trong thành phố, bây giờ chúng ta sống trên mạng”. Có thể nói, chỉ một câu này đã đủ tóm tắt một cách đầy đủ nhất xu hướng của con người hiện đại, nhất là giới trẻ trong xã hội hiện nay.

Ðối với nhiều bạn trẻ, facebook là niềm đam mê “tìm hiểu xã hội”, nhưng khi lạm dụng thái quá sự đam mê ấy lại trở thành tiêu cực, ảnh hưởng không ít đến thời gian học tập. Một nghiên cứu mới đây ở một trường đại học của Mỹ đã cho thấy điều đó. Những sinh viên sử dụng facebook có kết quả học tập kém hơn 20% so với sinh viên khác. Ngoài giờ học, 88% sinh viên không sử dụng facebook tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, 75% sinh viên sử dụng facebook không nghĩ rằng mạng xã hội này làm giảm sút kết quả học tập.

Trên facebook, nhiều bạn trẻ thường có xu hướng thể hiện bản thân một cách trau chuốt nhất như lựa chọn những hình ảnh đẹp nhất, thể hiện bản thân trong những câu trích dẫn bóng bẩy, khiến facebook trở thành nơi thể hiện cho người khác thấy những gì mà họ muốn, chứ không phải cuộc sống thực. Cuộc sống trở nên “ảo” hơn, những suy nghĩ trở thành những “status”, những khoảnh khắc trở thành “photo”, những chuyến đi trở thành “check-in”. Giới nghiên cứu cho biết, giới trẻ đã và đang “facebook hóa” hay “số hóa” cuộc sống của chính mình.

Thời facebook, giới trẻ khỏi cần có tài năng trí tuệ, chỉ cần một câu nói gây sốc kèm theo một bức ảnh “thiếu vải” là đủ nổi tiếng như “Bà Tưng”, một thân hình gợi cảm từng milimét như người mẫu là được hàng ngàn người thán phục. Thành công của những gì họ làm được đo bằng lượng like, bình luận dưới mỗi tấm hình, mỗi “status”, bất kể việc đó đúng hay sai. Sự “ồn ào” trên mạng khiến cho không ít giá trị bị đảo lộn, nhiều bạn trẻ chạy theo những thứ phù phiếm hơn là giá trị thực tế của bản thân.

Bên cạnh đó, facebook còn chứa một hiểm họa nguy hiểm khác cho gia đình nếu các bạn trẻ vô tình chia sẻ những điều cần giữ kín. Theo các chuyên gia tâm lý thì mạng xã hội ngày nay đã trở thành một phần trong cuộc sống của con người, nhất là với các bạn trẻ. Những mối quan hệ trong đời sống hằng ngày nay được tiếp tục “ảo hóa” trên các mạng xã hội nhưng không vì thế mà nó không “thực”, bởi những người trao đổi trên mạng xã hội đều là những thực thể có tồn tại. Vì thế, bất kỳ lời nói hớ hênh, hành động thiếu cân nhắc nào cũng sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Những người khác cũng vì những điều này mà mất thiện cảm với nhau với gia đình họ. Hơn nữa, có nhiều người xấu vì thế mà “thêm dầu vào lửa” để đẩy mối quan hệ từ tốt đẹp nhanh chóng xuống vực thẳm.

Facebook cũng đang dần khiến một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ có cách sống “bầy đàn”, a dua mà không có chính kiến cũng như suy nghĩ của mình. Người trẻ trên mạng xã hội sẵn sàng “xù lông nhím” nếu có ai lỡ động đến mình. Một người cháu dám ngang nhiên chửi bà của mình, học trò xúc phạm thầy cô, bạn bè khi xích mích đăng status bêu xấu lẫn nhau. Thậm chí, vì không vừa lòng với kẻ khác, nhiều người ra sức lập những tài khoản ảo “hội đả đảo người này”, “anti người kia” với ngập tràn lời lẽ tục tĩu, vô văn hóa.

Rõ ràng, facebook không có lỗi trong chuyện này, nó là phương tiện kết nối mọi người lại gần nhau hơn, dễ dàng hơn mà không công cụ nào làm tốt như thế. Tuy nhiên, facebook dần trở nên xấu xí là bởi chính những người sử dụng nó xấu xí. Có lẽ, điều quan trọng hiện tại đối với nhiều người xài facebook là phải học, đó là học cách sử dụng facebook văn minh, đúng mực, có giới hạn và đừng để mình rơi tự do trong vực thẳm của thế giới ảo. Bởi Mark Zuckerberg không mong muốn như vậy khi ông sáng lập ra facebook.

Nguồn: petrotimes.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc