Câu hỏi này, nếu được đưa ra để thảo luận, thì chắc đại đa số đều cho rằng, đương nhiên du học tốt hơn rất nhiều. Và nếu hỏi các bậc phụ huynh rằng nếu không gặp vấn đề về kinh tế, thì liệu họ có cho con em mình du học hay không? Câu trả lời, dù không làm khảo sát hay điều tra, thì chúng ta đều biết phần lớn sẽ là đồng ý.
Nhưng khi hỏi lý do, thì đa phần sẽ chỉ trả lời được rằng, vì Tây tốt hơn Ta, mà chẳng cần biết vì sao tốt hơn, hoặc cần biết nhưng không chịu tìm hiểu. Nó như một thứ mặc định sẵn trong đầu. Rằng đồ dùng của họ tốt hơn, phim ảnh của họ tốt hơn, thì đương nhiên giáo dục của họ tốt hơn. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, hẳn nhiên rồi, cho nên từ đồ dùng mà quy sang giáo dục thì hẳn cũng không có nhiều liên quan.

LPH_0910-copy1_600x399
Và trong việc mặc định này, có một phần do tâm lý sính ngoại của đại đa số chúng ta. Cha mẹ hy sinh cả đời rồi, nên cố cho con cái đi du học, cũng là để hãnh diện với đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng, bà con khối phố. Để đổi lại những ánh mắt trầm trồ, những lời khen đôi khi chỉ là khách sáo. Thế cũng đủ lắm rồi. Đủ tự hào là đã lo lắng cho con cái hết mức có thể, hơn hẳn phần còn lại của thế giới. Cũng đủ để thỉnh thoảng an ủi những người sống quanh tôi rằng, học trong nước cũng tốt ấy mà, nhưng nếu có điều kiện, nên cho các em các cháu du học.

Nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, chúng ta đều phải thừa nhận, số lượng sinh viên Việt Nam được học ở các trường danh tiếng, thực sự không nhiều. Bởi mỗi lần có một trường hợp như vậy, truyền thông sẽ khai thác đến tối đa, để tôn niềm tự hào. Nếu có nhiều, truyền thông sẽ không làm như vậy. Bỏ qua sự tự hào, niềm phấn khích, nhìn thẳng vào vấn đề, chúng ta sẽ thấy sự khác nhau giữa các hệ thống giáo dục, chứ không phải sự hơn kém về nhận thức, trình độ cũng như tài năng. Và việc một số trường đại học danh tiếng có dành học bổng cho sinh viên Việt Nam, xét về bản chất, chỉ đơn giản là việc PR, y như cách các câu lạc bộ bóng đá ngoại hạng Anh tuyển mộ các cầu thủ châu Á khi họ nhận ra đây là thị trường giầu tiềm năng. Bởi đa phần các trường đại học danh tiếng trên thế giới bây giờ đều có những khoa mà chỉ cần đóng tiền là được nhận vào học. Danh tiếng tỷ lệ thuận với học phí phải nộp, hẳn nhiên rồi. Thế nhưng, cuối cùng thu lại được điều gì, thì đó vẫn là một câu hỏi treo lơ lửng.

Đại học, xét cho cùng, là quá trình tự học. Một khi bản thân sinh viên ham học, thì khi mà thông tin không còn là rào cản lớn nhất như hiện nay, thì nơi học cũng không còn quá quan trọng nữa. Người học có thể chỉ cần một chiếc laptop, hay thậm chí chỉ một chiếc smartphone, là có thể thu thập được rất nhiều kiến thức. Điều quan trọng nhất, là xử lý những thông tin ấy, kiến thức ấy như thế nào, áp dụng vào công việc sau này của mình ra sao.
Còn phải kế đến một số thanh niên đòi cha mẹ cho đi du học bằng được, là để chơi bời đàn đúm xa nhà, không có ai quản lý. Tất nhiên, số lượng này không nhiều lắm, nhưng cũng đủ để lo ngại cho một thế hệ chỉ biết hưởng thụ mà không cần biết ngày sau sẽ ra sao. Cha mẹ không kiểm soát được, cứ yên tâm là con cái mình ở bên ấy, được hưởng thành quả của một nền giáo dục tiên tiến, sau này sẽ thành người có ích, biết đâu rằng trong khi đó, những thanh niên ấy đốt những năm đẹp nhất của đời người vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, để sau này, khi hối hận thì đã không còn cơ hội để sửa sai.

Cũng chính từ phong trào du học ấy, phát triển từ lúc nền kinh tế của đất nước đi lên, mới tạo ra sự mất cân đối trầm trọng trong các ngành nghề. Hậu quả của nó thì ai cũng thấy, đó là việc thừa thầy thiếu thợ. Chúng ta có một lực lượng đông đảo các tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân, nhưng thiếu hẳn thợ lành nghề chứ chưa nói đến chuyên gia trong các lĩnh vực. Hiện tượng này đã được dự báo từ lâu, nhưng chỉ khi nền kinh tế đi xuống, thì người ta mới bắt đầu lo lắng, mới bắt đầu loay hoay tìm cách tháo gỡ.

Và xét cho cùng, việc học ở đâu, học cái gì phải được nhìn nhận ở một góc độ khác. Bởi đa phần học sinh đều bị ảnh hưởng bởi những ngành học được coi là thời thượng do nhiều kênh thông tin khác nhau. Vấn đề rất đơn giản, nếu ai cũng đi học ngành đó, đương nhiên tỷ lệ tìm được việc làm sẽ rất ít. Nhất là những gì thời thượng đều nhanh suy tàn. Sau 4,5 năm ngồi trên ghế giảng đường, mọi việc đã xảy ra hoàn toàn khác so với những gì trước kia những sinh viên ấy hình dung ra về một viễn cảnh huy hoàng, chưa tốt nghiệp đã có các công ty trải thảm đỏ mời về.

Các cụ nói, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Điều mà cổ nhân mất hàng bao đời để đúc kết ra, chắc chắn luôn đúng. Hãy chọn cho mình nghề yêu thích, và theo một chiều ngược lại, hãy thích nghề mình sẽ học và sẽ làm. Nếu thích học nghề, thay bằng việc thành một kỹ sư, chúng ta hoàn toàn có thể đăng ký vào Đại học Công nghiệp chẳng hạn, để toàn tâm toàn ý với công việc của mình. Nếu đam mê công nghệ, chẳng ngần ngại gì mà không theo học ở đại học FPT, nơi mà nhà trường đã định hướng rằng sẽ cung cấp cho sinh viên đủ kiến thức để có thể làm nghề ngay khi ra trường mà không cần loay hoay giữa kiến thức trong sách vở và thực tế nghề nghiệp. Hoặc giả, nếu đam mê ẩm thực, chẳng việc gì phải xấu hổ khi đăng ký học ở trường trung cấp nấu ăn, chỉ bởi sợ bạn bè cười chê khi không có tấm bằng đại học.

Một người thợ giỏi, đương nhiên, sẽ có ích cho gia đình và rộng hơn, là xã hội, hơn là một kỹ sư tồi. Và nói theo chiều ngược lại, một người thợ giỏi, sẽ có cơ hội kiếm tiền và thăng tiến trong công việc hơn đứt một kỹ sư tồi. Bởi một kỹ sư tồi thì khó mà quay lại làm một người thợ giỏi, nhưng một người thợ giỏi hoàn toàn có đủ điều kiện để sau này thành một kỹ sư giỏi.

Và khi đã xác định được học để làm gì, thì chắc chắn, chúng ta sẽ dễ dàng tìm câu trả lời hơn cho câu hỏi, du học hay học trong nước.

Nguồn: Anh Thư/ Gia Đình Việt Nam

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc