Độc giả thân mến, tháng 5, hoa phượng nở đỏ rực khắp các sân trường cũng như trên nhiều con phố, tiếng ve sầu râm ran khi trầm khi bổng báo hiệu hè về và những kỳ thi đang đến thật gần. Đặc biệt, với những học sinh cuối cấp, trước mặt các em là kỳ thi quan trọng, ảnh hưởng nhiều tới con đường sau này mà các em sẽ đi.

Khối lượng bài vở, sự kỳ vọng của gia đình, bạn bè, nhà trường và của chính bản thân các em vào kết quả kỳ thi khiến các em phải đối mặt với quãng thời gian khó khăn, vất vả hơn, cần nhiều sức khỏe cũng như sự cố gắng. Chuyên đề Giữ sức khỏe mùa thi ở Sức Khỏe số này sẽ chia sẻ với các em gánh nặng đó, đồng thời như một cuốn cẩm nang nho nhỏ giúp cha mẹ hỗ trợ con em mình tốt hơn trong thời điểm quan trọng này. Chuyên đề gồm các bài viết:

– Kiệt sức ở… phút 89: Thi cuối cấp, chuyển cấp có lẽ là kỳ thi nhiều áp lực nhất mà các “sĩ tử”  phải trải qua sau thời gian dài miệt mài đèn sách. Và ở “phút 89”, một số bạn trẻ không thể tiếp tục “chinh chiến” vì kiệt sức, rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần. Bác sĩ Phạm Văn Trụ, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP. HCM, cho biết: “Bệnh viện Tâm thần TP. HCM từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân trong độ tuổi đi học bị rối loạn tâm thần do cha mẹ bắt ép phải học. Tôi còn nhớ 2 trường hợp như thế. Một bệnh nhân là nữ học sinh lớp 9 bị ép học đến mức rối loạn tâm thần và phải dừng việc học. Trường hợp khác là nam sinh viên ở Q. Thủ Đức, TP. HCM, bị rối loạn tâm thần ngay từ khi học lớp 12. Dù bệnh nhân này đang theo học đại học nhưng điều trị 3 năm mà bệnh vẫn chưa khỏi hẳn, tháng nào em cũng phải đến bệnh viện nhận thuốc”.

– Dùng thuốc “tiếp sức” cho não?: Với mong muốn giúp tinh thần con thêm minh mẫn, trí nhớ được tăng cường, nhiều bậc phụ huynh cho con uống đủ các loại thuốc bổ não. Họ không biết rằng, thuốc “bổ trợ” nếu dùng không đúng cách cũng có thể gây độc. Theo Dược sĩ Nguyễn Hoàng Thuyên, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, amphetamin là chất kích thích thần kinh trung ương, tăng tỉnh táo nhưng có khả năng gây ảo giác. Thực tế, thuốc này không được phép bán và dùng tùy tiện. Nó dễ khiến người uống gặp tình trạng chán ăn, tay run, cảm giác hồi hộp. Dần dần người uống dễ bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi, tư duy… Thậm chí, thuốc có thể dẫn đến nguy cơ tự tử ở một số người sau khi ngưng thuốc. Thuốc đồng thời cũng gây nghiện.

– Ăn đủ, ngủ ngon, thi tốt: Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM, ăn đầy đủ các bữa chính và ăn thêm một số bữa phụ sẽ giúp học sinh có đầy đủ năng lượng, chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể. Ăn đủ bữa, đủ chất, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, vừa phải sẽ tăng cường sự dẻo dai và sức chiến đấu của các “sĩ tử” trong mùa thi. Bài viết thể hiện cụ thể vấn đề này.

Sức khỏe, Sức khỏe số 05, giới thiệu tạp chí Sức Khỏe, tạp chí Sức Khỏe, khoe24h, , Lương y Đinh Công Bảy, Chữa u xơ tuyến tiền liệt, Cỏ cà ri, hạt methi, Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, thuốc giảm cân, dùng thuốc giảm cân, tăng huyết áp, kiểm soát huyết áp, tránh tăng huyết áp, thuốc bổ não, Dược sĩ Nguyễn Hoàng Thuyên, amphetamin, Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Bệnh viện Tâm thần TP. HCM, Mất ngủ kéo dài, khó ngủ kéo dài, bị rối loạn tâm thần, Giữ sức khỏe mùa thi
Tạp chí Sức Khỏe số 05-2017 (173)

Ở Sức Khỏe số 05-2017 (173), độc giả còn có thể tìm đọc nhiều bài viết hấp dẫn, bổ ích khác để hiểu rõ hơn về những vấn đề y học thường gặp trong cuộc sống thường nhật, như

– Ngày hè tránh tăng huyết áp: Ngày hè, nhiệt độ tăng cao, thời tiết nóng nực khiến những cơn tăng huyết áp có thể “ghé thăm” bạn, đặc biệt là nếu bạn đang mắc chứng bệnh cao huyết áp. Bài viết sẽ giúp bạn bổ sung kiến thức cần thiết để kiểm soát huyết áp trong những ngày nắng nóng, tránh tăng huyết áp đe dọa sức khỏe.

– Trằn trọc năm canh: Mất ngủ kéo dài sẽ khiến bạn mệt mỏi, làm việc kém hiệu quả, tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông… Tình trạng này cũng cảnh báo sức khỏe của bạn đang có vấn đề. Bài viết gợi ý những bệnh lý cần lưu tâm nếu tình trạng mất ngủ, khó ngủ kéo dài.

– Dùng thuốc giảm cân: Đừng lơ là tác dụng phụ!: Thuốc giảm cân được nhiều người sử dụng với hi vọng có thể thu gọn thân hình “bánh mì” mà không tốn nhiều công sức luyện tập hay ăn kiêng khắt khe. Nhưng bạn cần nhớ: thuốc không phải thức ăn, luôn có tác dụng phụ!

– Chăm sóc vùng nhạy cảm: Vệ sinh “vùng kín” không đúng cách sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe của chị em phụ nữ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, thực tế, vẫn có nhiều chị em đang áp dụng những cách thức vệ sinh sai lầm. Bài viết sẽ mách bạn những điều nên và không nên khi chăm sóc “vùng kín” để chị em biết cách tự bảo vệ sức khỏe của mình.

– Nghỉ hè không ngại tăng cân: Kỳ nghỉ hè, bé ở nhà nhiều hơn, “kết bạn thân” với những loại bánh, kẹo, kem… ngọt ngào, hấp dẫn. Làm thế nào để các “cậu ấm, cô chiêu” cùng gia đình có những ngày nghỉ bổ ích, phát triển thể chất mà không bị “đọng mỡ”? Bí quyết nằm ở bài viết trên trang 37.

– 7 bước tắm cho bé: Tắm cho trẻ sơ sinh là việc không hề dễ dàng, nhất là với những người mẹ trẻ mới sinh con lần đầu, chưa có kinh nghiệm. Bài viết sẽ hướng dẫn các mẹ tắm cho trẻ an toàn và đúng cách với 7 bước cơ bản. Thực hiện theo 7 bước hướng dẫn này, việc tắm cho bé sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

– Hội chứng đau vai gáy: Đừng cố chịu đựng!: Nhiều người cao tuổi thường xuyên phải chịu đựng các cơn đau ở vai, gáy, cổ. Nếu đang ở tình trạng này, các cụ hãy đi tới bệnh viện khám để bác sĩ tìm nguyên nhân và có biện pháp chữa trị, đừng cố chịu đựng bởi có nhiều điều cần lưu ý sau những cơn đau này.

– Thực phẩm đẩy lùi cơn đau đầu gối: Những cơn đau đầu gối đang hành hạ hàng triệu người trên thế giới. Họ phải áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng này, như: tập thể dục, tiêm steroid, phẫu thuật… Tuy nhiên, còn một cách tốt hơn, dễ thực hiện hơn, là chế độ ăn uống lành mạnh và bổ dưỡng với đậu nành, trái cây, cá…

– Cỏ cà ri, vừa ăn vừa làm thuốc: Cỏ cà ri hay còn được gọi với tên hạt methi, là một loại thảo dược quý từ thiên nhiên thường được tìm thấy ở khu vực Địa Trung Hải. Từ lâu, y học cổ truyền Ấn Độ đã dùng cỏ cà ri như bài thuốc nhuận tràng và giảm đau. Nó làm dịu kích ứng da, miệng, mũi hoặc cuống họng. Hơn thế, nó còn giúp chữa các bệnh viêm, viêm khớp, đau cơ, rối loạn tiêu hóa và loét da. Hạt và lá của nó cũng có những giá trị cao về sức khỏe…

– Chữa u xơ tuyến tiền liệt theo Đông y: Đông y xếp u xơ tuyến tiền liệt vào loại lâm chứng (tiểu khó, tiểu buốt), niệu tinh (tiểu ra tinh đục, màu trắng hoặc đỏ). Nguyên nhân chủ yếu do tuổi cao, bộ phận này bị xơ hóa làm cho cứng hơn bình thường, ấn vào thấy đau, gây nên tiểu khó và có thể bị bí tiểu. Thường xảy ra rối loạn về tiểu tiện ở tuổi 60-65. Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP. HCM, giới thiệu một số bài thuốc điều trị chứng này.

– “Đuổi” mất ngủ không cần thuốc: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ. Nếu không phải nguyên nhân do bệnh lý, bạn hoàn toàn có thể tự điều chỉnh bằng những thói quen ăn uống, sinh hoạt để giúp dễ ngủ hơn. Để việc điều trị không dùng thuốc đạt hiệu quả, bạn cần kiên nhẫn và áp dụng đúng phương pháp. Bài viết  được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hồng Nhung, Bệnh viện Y học Cổ truyền TP. HCM.…

Sức Khỏe hi vọng những bài viết này sẽ hữu ích với độc giả trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Báo có mặt trên thị trường toàn quốc vào ngày 5-5-2017. Độc giả ở xa có thể liên hệ đặt mua tại các bưu điện gần nhất theo mã số báo B122.5.

Số điện thoại đặt báo: 0903.737.050

Trân trọng
Ban Biên tập

Nguồn: Tạp chí Sức Khỏe

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc