Từ mùng 4 đến mùng 8 Tết Nguyên đán Quý Tỵ, Công ty TNHH Truyền thông và Quảng cáo Ánh Sáng phối hợp với Công ty CP du lịch tỉnh BR-VT tổ chức Chợ phiên dân tộc Tày tại khu du lịch Biển Đông (TP. Vũng Tàu). Chợ phiên đã thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh và du khách tới tham quan, tìm hiểu về nét đẹp văn hóa của dân tộc Tày.

 

 

Tái hiện lễ hội Lồng Tồng tại Chợ phiên dân tộc Tày.

Lễ hội Chợ phiên dân tộc Tày lần này đã tái hiện những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày như: ruộng bậc thang, chợ phiên hàng hóa với những gian hàng thủ công mỹ nghệ được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người vùng cao. Ngoài ra, chợ phiên ẩm thực còn trưng bày nhiều món ăn hấp dẫn như: cơm lam, vịt quay lá mác mật, bánh khảo, xôi ngũ sắc… Nhiều trò chơi dân gian cũng được diễn ra như: ném còn, đẩy cây, phóng phi tiêu, bịt mắt bắt dê…; triển lãm các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh về đất và người Cao Bằng.Cùng với đó là các tiết mục biểu diễn văn hóa – nghệ thuật như: biểu diễn đàn tính, hát đối đáp và tái hiện lễ hội Lồng Tồng (còn gọi là lễ xuống đồng) – một lễ hội thường tổ chức vào dịp đầu năm tại các bản làng miền núi phía Bắc để mở màn mùa gieo trồng mới.

 

Người dân tham  quan một quầy hàng bán vịt quay.

Nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách, ngoài các quầy hàng chuyên về văn hóa dân tộc Tày, Ban tổ chức cũng đã mở ra nhiều quầy hàng lưu niệm và các quầy phục vụ hơn 30 món hải sản nướng. Tại đây, mỗi đêm sẽ có chương trình hài kịch với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng đến từ TP. Hồ Chí Minh.

Là người dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng và vào TP. Vũng Tàu lập nghiệp được hơn 20 năm, chị Nông Thị Dung (nhà ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Tôi cảm thấy rất háo hức khi được tham dự Chợ phiên dân tộc Tày tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đã nhiều năm xa quê hương nên khi được tận mắt nhìnviệc tái hiện những hình ảnh quen thuộc nhưruộng bậc thang, thác Bản Giốc hay đơn giản như đống rơm (thường để cho trâu bò ăn vào mùa rét), khiến tôi vô cùng xúc động và vơi bớt nỗi nhớ nhà”.

 

Tiết mục ca nhạc tại lễ khai mạc Chợ phiên dân tộc Tày.

Cùng tâm trạng như chị Dung, chị Hoàng Thị Nhị (nhà ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP. Vũng Tàu)nhận xét: “Lễ hội này có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Cao Bằng sinh sống ở Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và người dân tộc Tày nói chung. Tôi rất mong những lễ hội như này sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa để mọi người có thể tìm hiểu và giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày…”.

 

Các trò chơi dân gian của người dân tộc Tày.

Ông Trần Tuấn Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch tỉnh cho biết, đây là lần đầu tiên lễ hội văn hóa Chợ phiên dân tộc Tày được tái hiện tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hy vọng rằng qua hoạt động này sẽ giúp người dân địa phương và du khách có cơ hội hiểu biết thêm về nét đẹp văn hóa của dân tộc Tày – dân tộc có số dân đông thứ hai sau người kinh của nước ta. Lễ hội này cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần đa dạng hóa sản phầm du lịch địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đồng thời, góp phần tô điểm thêm hình ảnh du lịch TP. Vũng Tàu – một thành phố du lịch năng động, ấn tượng và thân thiện.

Bài ảnh: Nam Phương

Tại lễ khai mạc Chợ phiên dân tộc Tày, ông Nguyễn Đức Lạc, Giám đốc nhà hàng Hải Phương (TP. Vũng Tàu) đã trao 5 phần quà (mỗi phần quà trị giá 2 triệu đồng) cho 5 em học sinh dân tộc Tày, hiện đang sinh sống cùng với gia đình ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc