Khi bị cứng và đau ở khớp vai, có thể bạn đang mắc phải hội chứng “khớp vai đông lạnh”. Mức độ đau nặng hay nhẹ sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn tiến triển của bệnh.

Giới ăn nhậu mới nghe qua khớp vai đông lạnh tưởng chừng nói tới một món ăn chơi mới nhưng thực ra đây là một chứng bệnh của khớp vai còn gọi là chứng dính bao khớp đặc trưng bởi cứng và đau ở khớp vai.

Các dấu hiệu thường xấu đi theo thời gian và sau đó ổn định trong vòng một hoặc hai năm. Nguy cơ phát triển khớp vai đông lạnh tăng lên nếu người bệnh đang mắc phải các chứng bệnh ảnh hưởng vận động của cánh tay như đột quỵ hay phẫu thuật cắt bỏ vú. Điều trị khớp vai đông lạnh đòi hỏi tập luyện các bài tập vật lý trị liệu và tiêm corticoid hay thuốc tê vào bên trong bao khớp. Trong một số ít trường hợp, phẫu thuật có thể cần thiết để nới lỏng bao khớp giúp cho khớp di chuyển tự do hơn.

Bệnh phân chia theo giai đoạn

Chứng khớp vai đông lạnh thường phát triển tương đối chậm trong ba giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài nhiều tháng. Trong giai đoạn đầu các chuyển động xoay duỗi gập của khớp trở nên hạn chế và khớp đau mỗi khi cử động. Trong giai đoạn đông lạnh, khớp bớt đau nhưng ngày càng trở nên cứng hơn và khó xoay chuyển hơn. Trong giai đoạn tan đông, chuyển động vai bắt đầu cải thiện dần dần. Đối với một số người, cơn đau thường nặng hơn vào ban đêm làm gián đoạn giấc ngủ.

Các đầu xương, dây chằng và dây gân tạo nên khớp được bọc trong một lớp bao liên kết. Khớp vai đông lạnh xảy ra khi màng bao này dày lên và thắt chặt quanh khớp vai, hạn chế cử động.

Khi mới bị bệnh, người bệnh có thể dùng aspirin, ibuprofen giúp giảm sưng đau.

Khám và điều trị

Trong khi khám, thầy thuốc yêu cầu người bệnh giơ hai tay thẳng lên trời như một trọng tài bóng đá công nhận bàn thắng, hay yêu cầu người bệnh dùng một tay chạm vào vai đối diện, một tay vòng ra sau lưng chạm vào xương bả vai đối diện giúp phân biệt khớp vai đông lạnh và nhiều chấn thương khác. Ngoài ra thầy thuốc có thể cho người bệnh chụp X-quang hay chụp MRI khớp vai để loại trừ các bệnh khác.

Khi mới bị chứng khớp vai đông lạnh, người bệnh có thể dùng các thuốc aspirin và ibuprofen giúp giảm sưng đau trong khi cử động khớp vai. Trong một số trường hợp, thầy thuốc có thể kê toa thuốc giảm đau và chống viêm mạnh hơn.
Phương pháp vật lý trị liệu bao gồm nhiều bài tập giúp duy trì các cử động khớp vai. Đối với chứng khớp vai đông lạnh kéo dài, thầy thuốc có thể tiêm corticoid vào bên trong khớp vai giúp giảm đau nhanh chóng và cải thiện cử động vai một cách thần kỳ nhưng coi chừng biến chứng nhiễm trùng đưa đến tràn mủ trong khớp và hủy hoại khớp.

Thầy thuốc cũng có thể dùng phương pháp nắn khớp qua gây mê. Trong thủ thuật này, người bệnh được gây mê toàn thân và không cảm thấy đau đớn gì trong khi thầy thuốc thao tác. Y bác sĩ di chuyển khớp vai theo nhiều hướng khác nhau giúp nới lỏng các mô, nhưng  thao tác này cần thực hiện nhẹ nhàng vì nếu không cẩn thận có thể gây ra gãy xương của người bệnh.

 

Điều trị khớp vai đông lạnh đòi hỏi tập luyện các bài tập vật lý trị liệu.

Bạn cần biết!

Mặc dù chưa biết rõ nguyên nhân chính xác, nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng khớp vai đông lạnh như phụ nữ trên bốn mươi tuổi, khớp bất động lâu dài do chấn thương cổ tay, do đột quỵ hay mới phục hồi sau phẫu thuật. Bệnh cũng thường xảy ra cho người mắc bệnh tiểu đường, cường giáp hay mắc bệnh Parkinson.

Khi dùng thuốc men và các thủ thuật trên không thành công, thầy thuốc còn giải pháp sau cùng là phương pháp phẫu thuật nhằm loại bỏ các vết sẹo dính bên trong khớp vai đông lạnh. Hiện nay thầy thuốc thường thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi khớp thông qua một ống nội soi mềm có gắn camera đưa vào trong khớp qua một vết rạch nhỏ.

Bác sĩ Đào Ty Tách

Nguồn: Tạp Chí Thời Trang Trẻ

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc