Trước nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ những nông sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhiều người đã chọn biện pháp trồng rau tại nhà. 

08-42-43_dsc_2298
Trồng rau tại vườn nhà

Tuy nhiên để có được một vườn rau sạch và duy trì nó về lâu dài thì cần phải áp dụng rất nhiều kinh nghiệm trong việc chọn đất, xử lý đất cũng như phòng trừ sâu bệnh…

Trước tiên không nên tận dụng đất hai bên đường giao thông, hai bên mương máng, cống rãnh ô nhiễm để trồng rau vì không đảm bảo vệ sinh về kim loại nặng, về hóa chất, về vi sinh… Sai lầm mà nhiều người thường vẫn hay mắc phải là tưởng không dùng thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học là họ có thể thu về những lứa rau sạch tuyệt đối mà không chú ý đến yếu tố sạch của đất, của nước tưới, của không khí. Bởi vậy phải muốn có rau sạch phải chọn mảnh đất định làm vườn cách ly với các nguồn ô nhiễm rồi cải tạo bằng cách xới tơi, trộn đều với các loại phân xanh, phân hữu cơ hoai mục nếu có.

Nguyên tắc chung của bảo vệ thực vật là phòng bệnh hơn chữa bệnh, mà sâu bệnh của cây trồng trước tiên đến từ đất. Có thể dùng vôi bột để khử trùng diệt trừ các mầm bệnh trong đất cũng như khử mặn, bổ sung một số chất dinh dưỡng thiết yếu cho rau xanh bằng cách trước khi xử lý đất nên vãi một lớp vôi bột mỏng lên trên. Ốc sên là tác nhân tàn phá mau chóng vườn rau và rất khó trị đặc biệt là vào mùa mưa, khi khí hậu ẩm ướt, rất thích hợp cho chúng sinh sôi, phát triển. Để xua đuổi ốc sên bò đến cắn phá rau có thể dùng vỏ trứng đập nhỏ rồi rắc xung quanh gốc cây.

Nguồn sâu bệnh lớn thứ hai hại rau màu đến từ trên trời, trong không khí. Có hàng trăm chủng loại côn trùng, sâu hại rau như sâu, nhện, rầy, rệp, bọ… nên phải có những cách phòng trừ thích hợp. Trong tự nhiên, những chủng loại côn trùng, sâu bệnh trên là chuỗi thức ăn của nhiều loài côn trùng có ích (thiên địch) như bọ rùa, kiến ba khoang, chuồn chuồn, bọ ngựa, ong…

Bởi thế, người làm vườn tốt nhất nên tạo điều kiện cho các loài thiên địch này sinh sôi, phát triển, bảo vệ vườn rau của mình bằng cách trồng các loài cây ưa thích của chúng như cỏ ba lá, cỏ linh lăng, hoa soi nhái… xung quanh vườn. Càng nhiều thiên địch càng ít sâu bọ.

Đồng thời người làm vườn cũng có thể trồng một số cây hoa để nhử các loại côn trùng gây hại tập trung đến trú ngụ nhằm giảm áp lực gây hại cho vườn rau sau đó tiêu diệt chúng bằng các loại bẫy côn trùng dạng dính, phenol…

Có thể xua đuổi côn trùng, trị sâu bệnh bằng các nguyên liệu tự nhiên như tỏi, ớt, gừng ngâm rượu hoặc ngâm với nước rồi pha loãng ra để phun cho rau. Thường xuyên kiểm tra vườn để có thể phát hiện các ổ sâu non và các ổ trứng sâu, nhanh chóng tiêu diệt chúng để tránh bùng phát thành dịch bệnh.

Để chủ động phòng tránh sâu bệnh từ cả hai đường đất và không khí, có thể dùng biện pháp che chắn rau theo hàng hoặc làm nhà màng, nhà lưới.

Cụ thể, dùng ni lông trùm lên khung tre, khung gỗ hoặc khung kim loại chắn xung quanh vườn hoặc chắn theo các hàng rau để phòng tránh các loại bọ cánh cứng, bọ xít hại rau ăn lá hay dưa chuột…Biện pháp này cũng có tác dụng giảm thiệt hại do sương giá và dịch hại khác như chuột, bọ, ốc… tấn công vườn rau.

Nếu có điều kiện có thể làm nhà lưới, nhà màng kiểu đơn giản để cách ly rau với các loại sâu bệnh và các điều kiện môi trường bất lợi cho sự phát triển của rau. Còn nếu không có thì sử dụng màng phủ nông nghiệp để phủ lên các luống trồng rau nhằm hạn chế tối đa cỏ dại, nấm và các sinh vật trong đất gây hại đến vườn và giữ ẩm cho đất một cách tốt hơn.

 

Theo ĐINH THỊ HUYỀN (TỔNG HỢP)
Nông Nghiệp/nongnghiep.vn
Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc