“Phát hiện ra những cô gái đẹp – như những bông hoa rừng khuất nẻo, đã khó, tìm được người có khả năng giao tiếp tốt và có trình độ lại càng khó hơn. Nhưng đây là cuộc thi mang ý nghĩa không chỉ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, thế nên, chính BTC cũng phải hỗ trợ nhiều mặt cho các thí sinh” – nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận.

Cuộc thi năm nay khởi động từ ngày 1.6, hạn chót nhận hồ sơ là vào ngày 15.10. Theo BTC, đến nay đã có 500 hồ sơ thí sinh của 20 dân tộc đăng ký tham dự. Vòng bán kết phía bắc diễn ra từ 1-5.11, phía nam từ 12-15.11. Đêm chung kết và lễ đăng quang sẽ diễn ra vào ngày 10.12 tại Nhà hát Hòa Bình (TPHCM). Giải thưởng dành cho hoa hậu trị giá 100 triệu đồng, á hậu 1 – 70 triệu đồng, á hậu 2 – 50 triệu đồng. Ngoài ra còn có giải thưởng cho danh hiệu “Người đẹp TPHCM” (40 triệu đồng), “Người đẹp thân thiện” (30 triệu đồng) cùng nhiều giải phụ khác.

 

 

5 người đẹp nhất ở cuộc thi Hoa hậu các dân tộc năm 2007

Nét mới của cuộc thi năm nay là những thí sinh được trao danh hiệu hoa hậu, á hậu 1, 2 sẽ được tham dự các cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp thế giới. Đây cũng là cuộc thi cấp quốc gia duy nhất trong năm 2011 và được tổ chức tại TPHCM, nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đồng thời tạo cơ hội cho các thiếu nữ vùng sâu, vùng xa đến tham quan và tìm hiểu thêm về TP. Theo bà Đoàn Kim Hồng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CIAT, Trưởng BTC cuộc thi – sở dĩ có thêm giải thưởng “Người đẹp TPHCM” là do nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, người đẹp đó phải có nhiều kiến thức về TP, trả lời tốt phần ứng xử và có vẻ đẹp năng động, hiện đại. Thứ hai, danh hiệu này được duy trì nhằm tạo điểm nhấn của địa phương-nơi diễn ra cuộc thi.

Ở các cuộc thi trước, BTC không có quy định ràng buộc nào; còn ở cuộc thi này, 3 người đoạt giải cao nhất phải ký cam kết cùng BTC tham gia các hoạt động từ thiện vì trẻ em nghèo, chăm sóc các bà mẹ VN anh hùng, thăm người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc còn khó khăn, quảng bá cho dân tộc mình.

Nói về sự khác biệt của cuộc thi hoa hậu các dân tộc VN với các cuộc thi hoa hậu khác, bà Đoàn Kim Hồng chia sẻ: “Đó là lòng nhiệt huyết, sự mộc mạc, hồn nhiên của các thí sinh các dân tộc từ những vùng miền trong cả nước. Đặc biệt, đêm chung kết sẽ thật sự là đêm hội tụ nhiều nền văn hoá của các dân tộc VN, được thể hiện qua phần truyền thống trang phục dân tộc phong phú. Điểm đáng lưu ý nữa, nhằm tạo điều kiện cho nhiều thí sinh người dân tộc tham gia cuộc thi, BTC đã xin phép Bộ VHTTDL, cho phép tuyển sinh các thí sinh có chiều cao tối thiểu 1,58m”. Trong số thí sinh lọt vào vòng chung kết phải có khoảng 50% người dân tộc thiểu số. Lần 1, cuộc thi thu hút được thí sinh từ 38 dân tộc, còn lần này, BTC gắng đạt tỉ lệ cao hơn. Song để đạt được điều này không dễ, vì hiện nay, 17 dân tộc chỉ đạt mức dân số dưới 10.000 người; thậm chí có dân tộc chỉ còn vài trăm người như người Rục ở Quảng Bình.

Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, hiện nay, nhiều dân tộc có không ít người đẹp mang bản sắc vùng sơn cước, thể hiện tiềm năng của đất nước. Cuộc thi không chỉ giúp phát hiện những vẻ đẹp về hình thể, gương mặt, mà còn giúp phát huy vẻ đẹp ấy trong đời sống, đóng góp vào những lợi thế mà chúng ta có với ý nghĩa cao hơn – củng cố bản sắc văn hóa dân tộc và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc VN.

Theo Minh Thi – Lao Động

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc