Tôi sắp dọn về một căn hộ chung cư khoảng 80m2 có 2 ban công nhỏ. Gia đình dự định bố trí một số chỗ trồng cây xanh, nhưng hiện khá phân vân chọn cây gì và giải pháp nào. Nay tôi muốn nhờ KT&ĐS tư vấn giúp vấn đề chọn cây cảnh và cách bố trí sao cho phù hợp căn hộ trên tầng cao. Xin cảm ơn.  Lê Chí Thành, phường Tân Phong, quận 7, TP.Hồ Chí Minh

Nếu không có thời gian chăm sóc, có thể sử dụng các chậu nhỏ xinh xắn gài trên ban công, nhiều sắc màu, kết hợp hoa cắm bình dễ thay đổi linh hoạt 

Người Việt ta vốn mang văn hóa đặc trưng cư dân nông nghiệp nên xưa nay vốn khá ưa trồng cây xanh trong và quanh nơi ở của mình. Cây xanh không chỉ để làm đẹp mà còn cải thiện môi trường sống rất hiệu quả. Và trong thời buổi tấc đất tấc vàng thì việc thấy được màu xanh trong căn hộ lại càng cần thiết, nhất là đối với những căn hộ chung cư cao tầng, căn hộ có diện tích nhỏ hoặc không gian từng phòng không được rộng rãi thì nhu cầu được “xanh hóa” càng gia tăng. Tuy nhiên, nếu đưa cây xanh vào trong căn hộ không đúng cách sẽ gây phản tác dụng, do vậy cần chọn được một số loại cây và không gian phù hợp.

Do đặc điểm của chung cư là các căn hộ ở trên cao, tuy có nắng gió nhưng tùy theo phương hướng cụ thể có thể không đầy đủ và thuận lợi như dưới đất, đồng thời lại không nhiều diện tích để bố trí cây cối cũng như xử lý thoát nước. Do vậy đa số cây trồng nơi căn hộ là cây trong chậu, và nên biết tác dụng và đặc tính của các chủng loại cây để sắp xếp vào không gian thích hợp, cũng như chăm sóc đúng mức để cây duy trì được tươi xanh lâu dài tùy từng nhóm cây:
Nhóm cây chịu bóng râm tốt, có thể phát triển mạnh trong môi trường thiếu sáng và điều kiện chăm sóc ít ỏi, ví dụ như cây lưỡi hổ, trầu bà, tróc bạc, thanh tâm, vạn thiên thanh, hồng môn… Những cây này thích hợp để ở vị trí bếp, khu vệ sinh, sảnh cửa ra vào căn hộ, bên cạnh phòng ngủ. Cần cung cấp nước vừa phải, duy trì độ ẩm liên tục trong đất, phơi nắng từ 1-2 lần mỗi tháng, mỗi lần khoảng 1-2 giờ, tránh phơi khi nắng gắt, phơi nắng hiệu quả nhất trong khoảng 7-10 giờ và 16-17 giờ.
Nhóm cây vừa chịu được ánh sáng nhẹ, vừa chịu được bóng râm như cây lục thảo trổ, lan Ý, thường xuân, nha đam, ngũ gia bì, dương xỉ, cọ cảnh, hoa cúc, hoa đồng tiền… Đây là nhóm cây thích hợp để ở vị trí ban công, lô-gia, sân phơi, cửa sổ phòng ngủ, phòng khách tại các vị trí nửa trong nửa ngoài. Cách chăm sóc tương tự nhóm trên, lưu ý có độ ẩm đầy đủ nhưng không để ánh nắng trực tiếp chiếu vào.

Tất cả các cây kể trên trong cả hai nhóm đều có tác dụng lớn là hấp thụ chất độc hại, loại bỏ chất ô nhiễm, làm sạch không khí. Một số cây còn có tác dụng loại bỏ chất benzen, mùi hóa chất trong bột giặt, hấp thu khí CO2, thải khí O2 vào ban đêm như cây lưỡi hổ, hoa cúc, hoa đồng tiền thường được đặt kế bên phòng ngủ.
Các cây như ngũ gia bì có mùi thơm nhẹ, có khả năng đuổi muỗi, hoặc cây cọ cảnh, vạn thiên thanh có chiều cao khoảng 1 mét thường được đặt ở phòng khách, phòng bếp, phòng ăn, sảnh cửa ra vào để nổi bật, tạo điểm nhấn cho không gian. Còn các cây như dương xỉ, hồng môn, thường xuân có thể treo ở vị trí cửa sổ, lô-gia, hoặc trồng trên “tường cây” ở ban công vừa làm đẹp, vừa thanh lọc luồng khí trước khi vào nhà lại dễ trồng.
Ngoài cách quen thuộc là để cây trong chậu (chú ý có đĩa lót bên dưới chống dơ sàn), còn có thể theo xu hướng greenwall – trồng cây trên tường – dựa theo một số dạng sau:
Dạng túi vải – túi nhựa: phương pháp này dùng cách tưới nước thủ công, các túi này đóng vai trò như chậu cây nhỏ bao gồm cả đất và rễ cây, có thể là một túi đơn hoặc nhiều túi liên tiếp san sát nhau để tạo thành một bề mặt tường màu xanh. Loại túi này cần chọn kỹ để đảm bảo không bị rò rỉ nước khi tưới.

Dạng tấm (bao gồm dàn đỡ bằng sắt và thảm giữ ẩm): phương pháp này hiện đang được sử dụng nhiều nhất với hệ thống tưới nước tự động và loại thảm chuyên dụng không bị mục hay gây mùi khó chịu. Cây được trồng trong dạng tấm không sử dụng đất mà thay vào đó là chất hữu cơ cần thiết được hòa tan trong hệ thống nước tưới tự động. Ưu điểm của phương pháp này là sạch sẽ, đúng giờ, tiết kiệm thời gian và có thể trồng được các loại hoa, cây thảo mộc, kể cả dâu tây.

Dạng thùng: ít được sử dụng nhất, gần giống như dạng túi được tưới nước thủ công nhưng cồng kềnh hơn, cây được trồng với đất nén chặt trong thùng rồi sau đó được treo móc lên tường bằng hệ khung bán kèm.
Như vậy với bất kỳ loại cây nào cũng cần hiểu rõ đặc tính ưu ẩm, ưa tối hay ưa sáng, thể loại thân cao hay thấp, thể loại thân có hoa hay không, để có thể đặt vào vị trí phù hợp nhất trong căn hộ. Điều này không chỉ phát huy hiệu quả tác dụng của cây hoa mà còn tận dụng được vẻ đẹp bên ngoài, màu sắc đặc trưng của cây để làm mỗi không gian sống trở nên riêng biệt và ấn tượng hơn. Riêng với phương pháp “trồng cây trên tường” cần cân nhắc kỹ thời gian chăm sóc, chỉ nên trồng ở vị trí thoáng đãng, không gian mở như tường ngoài ban công hay sân phơi, không nên trồng trong nhà vì có thể gây muỗi và ẩm ướt xung quanh. Một số loại cây trồng trên tường còn cần dùng đèn chiếu vào ban đêm để đảm bảo quang hợp đầy đủ.

Các loại cây theo kiểu greenwall trong nội thất nên chăm sóc thường xuyên và có bố trí đèn chiếu để tăng cường quang hợp, giữ sự tươi xanh

Nguồn: Kiến trúc & Đời sống

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc