Cha mẹ có nên đi du học bậc tiến sĩ khi con cái còn quá nhỏ? Đây là bài toán khó được đặt ra với nhiều người trẻ, và không ít bạn đã phải gác lại giấc mơ du học vì không muốn xa con. Câu chuyện của anh Võ Thành Long, tiến sĩ chuyên ngành Marketing, Trường Đại học Otago (New Zealand) sau đây sẽ là một gợi ý cho những ai đang phân vân trong bài toán trên.
Ca-gia-dinh-cung-di-du-hoc-Giaoduc-720-2017-1
Gia đình anh Võ Thành Long trong buổi lễ tốt nghiệp

Năm 2012, anh Võ Thành Long nhận được suất học bổng du học bậc tiến sĩ tại New Zealand. Khi ấy, hai con trai sinh đôi của anh còn chưa đến ba tuổi và anh đã rất khó khăn khi phải ra quyết định đi hay không. Thật may, anh đã nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách do chính phủ New Zealand ban hành.

Theo quy định của chính phủ New Zealand, nghiên cứu sinh quốc tế như anh Long được phép mang theo vợ con khi đi du học. Ngoài ra, vợ anh Long còn được phép làm việc toàn thời gian để kiếm thêm thu nhập. Điều thật sự gây ấn tượng với anh Long chính là những hỗ trợ thiết thực về giáo dục và y tế dành cho con em của nghiên cứu sinh nước ngoài. “Tôi khá bất ngờ vì cả hai cháu đều được hưởng những ưu đãi giống như trẻ em bản xứ. Con tôi được khám bệnh ở các phòng mạch đa khoa, được dùng nhiều loại dược phẩm miễn phí và khám răng định kỳ mà không hề mất một khoản phí nào. Bên cạnh đó, hai cháu còn được đi học hoàn toàn miễn phí từ bậc mẫu giáo lên tới tiểu học. Ngoài ra, bên cạnh hỗ trợ của chính phủ thì chúng tôi còn nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ những người láng giềng cũng như những người quen biết. Theo luật pháp quốc gia, học sinh bậc mẫu giáo thì chỉ được học miễn phí 20 giờ mỗi tuần, nhưng con tôi được học miễn phí 30 giờ mỗi tuần. Cô hiệu trưởng trường mẫu giáo của con tôi nói rằng các cô cảm thông hoàn cảnh gia đình du học sinh của chúng tôi nên muốn tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi chuyên tâm vào công việc, mặc dù chúng tôi chưa từng nói với cô về việc này”, anh Long chia sẻ.

Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng cuộc sống của một du học sinh thường vất vả và thiếu thốn. Vì vậy, việc mang theo cả gia đình sẽ khiến cuộc sống khó khăn hơn bội phần. Tuy nhiên, khi được hỏi về những khó khăn trong khoảng thời gian du học, anh Võ Thành Long cho biết: “Gia đình chúng tôi hầu như không bị áp lực về mặt tiền bạc. Nhờ có suất học bổng trị giá 25.000 NZD mỗi năm, hai con lại được miễn hầu hết chi phí liên quan đến học hành và chăm sóc sức khỏe, nên vợ tôi chỉ cần làm thêm trung bình 24 giờ/tuần là cả gia đình có thể đủ chi phí cho một cuộc sống vừa tầm, thậm chí một năm chúng tôi có thể đi du lịch hai lần”.

Anh Long cho biết thêm: “Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất đối với vợ con tôi chính là khả năng ngoại ngữ. Nhưng nhờ được tham gia vào các lớp tiếng Anh miễn phí dành cho người thân của sinh viên quốc tế tại Trường Đại học Otago, vợ tôi đã nâng cao khả năng ngoại ngữ và hòa nhập rất nhanh. Ngoài thời gian học ở trường mẫu giáo, hai con tôi còn được cô hiệu phó ở trường tiểu học dành thời gian kèm riêng mỗi ngày, nhờ đó các cháu nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới”.

Ca-gia-dinh-cung-di-du-hoc-Giaoduc-720-2017-2
Lễ diễu hành trước lễ tốt nghiệp của học viên Trường Đại học Otago

New Zealand – đất nước của những chú chim Kiwi đã được GPI xếp thứ hai trong bảng xếp hạng năm nay. New Zealand có tỷ lệ tạm giam thấp và có hệ thống xã hội tiến bộ. Về mặt luật pháp và quan hệ với các nước láng giềng, người dân New Zealand được “bảo vệ” với hệ thống tư pháp quyền lực và độc lập, cũng như xây dựng được các mối quan hệ hòa hảo với các nước bạn. Cuối cùng, New Zealand là một đất nước thanh bình với hệ thống giáo dục mang tầm vóc thế giới và hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt. Những ai đã từng một lần đặt chân tới đất nước New Zealand, hẳn sẽ không thể nào quên được vẻ đẹp trong lành của cảnh vật cùng sự thân thiện, hiếu khách của con người nơi đây. Anh Võ Thành Long kể: “Có một lần, thằng bé nhà tôi bị té và đầu chảy máu rất nhiều. Không có xe riêng, trong lúc khẩn cấp, tôi vội vã cõng cháu chạy bộ ra đường tìm xe “quá giang” đến bệnh viện cấp cứu. Một người dân đi đường đã dừng xe đưa cả gia đình đến bệnh viện. Sợ chúng tôi không rành tiếng Anh, người lái xe đã đứng ra điền thay hết mọi hồ sơ giấy tờ để đảm bảo con tôi được điều trị nhanh nhất, rồi còn chờ khám xong để đưa chúng tôi về nhà. Hai ngày sau, chị lại điện thoại hỏi thăm tình hình con tôi. Sự quan tâm của chị khiến tôi nhớ đến những người hàng xóm lâu năm ở Việt Nam…”.

Ca-gia-dinh-cung-di-du-hoc-Giaoduc-720-2017 ok
Phong cảnh xanh mát, yên bình ở xứ sở Kiwi

Phương pháp giáo dục bậc tiểu học tại New Zealand là “học mà chơi, chơi mà học”. Đối với trẻ trong độ tuổi từ ba đến sáu tuổi thì đây là giai đoạn trẻ bắt đầu tò mò tìm hiểu về mọi thứ. Do đó bố mẹ nào cũng muốn chọn cho con mình một môi trường học tập tốt nhất, đặc biệt là trong giai đoạn bé chuẩn bị vào lớp một. Ở Việt Nam, cứ mỗi mùa tựu trường là sẽ có nhiều phụ huynh phải bỏ làm để “chạy trường” cho con, mong cho con được nhận vào các trường tốt. Tại xứ sở Kiwi hoàn toàn không có chuyện này. Các cơ sở giáo dục phổ thông ở đây đều có chất lượng rất tốt, yêu cầu tuyển sinh đối với con anh Long rất đơn giản, đó là cư trú ở địa bàn của nhà trường, không phân biệt quốc tịch, hộ khẩu…

Phương pháp giáo dục tại đây tập trung vào việc phát triển kỹ năng. Anh Long kể rằng các con anh được rèn luyện kỹ năng thuyết trình ngay từ năm đầu tiên của bậc tiểu học. Những bài học ý nghĩa được các thầy cô khéo léo lồng ghép vào các hoạt động vui chơi thú vị, mang lại cho các em học sinh cảm giác học mà chơi, chơi mà học. Cũng nhờ đó, các bé đến trường hoàn toàn vì vui thích, và kiến thức được các em áp dụng vào đời sống hằng ngày như một thói quen chứ không đơn thuần chỉ là thuộc lòng lý thuyết.

Có rất nhiều người đã phải gác lại dự định học lên tiến sĩ chỉ vì con cái còn quá nhỏ. Tuy nhiên, cũng không ít người đã tìm được giải pháp vẹn cả đôi đường như trường hợp của gia đình anh Long. Nhưng điều quan trọng hơn cả là phải thật sự chọn được một môi trường du học phù hợp cho mình và tốt cho cả sự phát triển của con. Có như vậy, khoảng thời gian cả gia đình cùng đi du học mới thật sự ý nghĩa.

  • Tường Lam

Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần

 

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc