Chúng ta biết rằng để có sức khỏe tốt, ít bệnh tật thì cần hạn chế tối đa lượng đường đưa vào cơ thể. Cơ thể cũng có những biểu hiện cho thấy chúng ta đang hấp thu quá nhiều đường từ những thực phẩm có hàm lượng đường cao.

Hấp thu bao nhiêu đường thì gọi là “quá nhiều”?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một cách lý tưởng thì chỉ nên hấp thu 5% mức năng lượng từ đường, tối đa là 10%. Định lượng này tương đương với khoảng 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày. WHO cũng đưa ra khuyến nghị: Nên đọc qua danh sách các thành phần của thực phẩm đóng gói và giảm hấp thu các loại thực phẩm này để biết rõ lượng đường đưa vào cơ thể.

nguoi-met-moi.png
Luôn cảm thấy mệt mỏi và thèm ngủ là dấu hiệu của cơ thể hấp thu quá nhiều đường – Ảnh minh họa

Dưới đây là các biểu hiện cảnh báo tình trạng hấp thu đường quá mức của cơ thể:

1 – Nổi mụn nhiều

Ăn quá nhiều đường sẽ biểu hiện bằng việc da mặt nổi nhiều mụn, theo tạp chí Viện Dinh dưỡng và Tiểu đường học.

Nhiều người tham gia nghiên cứu cho biết mức độ mụn nghiêm trọng hơn khi họ hấp thu nhiều đường.

2 – Luôn cảm thấy uể oải và thèm ngủ

Nếu bữa sáng và bữa trưa có hàm lượng đường quá cao mà lại thiếu protein, chất xơ và chất béo sẽ làm bạn luôn cảm thấy buồn ngủ vào buổi trưa. Một số người còn bị nhức đầu và uể oải.

Sự cân bằng trong chế độ ăn giúp ngăn chặn mức biến động đường huyết trong cơ thể.

3 – Bắt đầu bị sâu răng

Khi ăn nhiều món ngọt hoặc khi các vi khuẩn trong miệng tiêu hóa bất cứ loại carbohydrate nào, sẽ có sự sản xuất một loại axit kết hợp với nước bọt để tạo ra mảng bám. Nếu các mảng bám này không được làm sạch thì sẽ tích tụ lại trên bề mặt răng, làm hư hỏng lớp men răng và gây sâu răng.

4 – Phát hiện huyết áp cao

Huyết áp được xem là bình thường khi ở mức 120/80 hoặc thấp hơn. Chế độ ăn có hàm lượng đường cao sẽ đẩy huyết áp lên cao hơn ngưỡng này. Một báo cáo đăng trên tạp chí BMJ Tim mạch cho thấy: Hạn chế hấp thu đường vào cơ thể quan trọng hơn giảm lượng muối đưa vào cơ thể để có mức huyết áp khỏe mạnh.

Đường fructose là nguyên nhân làm tăng các nguy cơ tim mạch do gây ra các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.

5 – Cholesterol cao

Một dấu hiệu thầm lặng của mức đường cao trong chế độ ăn là làm tăng các mức chất béo tuần hoàn trong máu. Lượng đường cao làm giảm mức cholesterol tốt HDL và làm tăng mức cholesterol xấu LDL, theo tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ.

Dù cơ chế tác động của đường với mức cholesterol và các chất béo trong máu chưa hoàn toàn được hiểu rõ nhưng đường fructose khiến cho cơ thể tạo ra nhiều triglyceride và các cholesterol xấu LDL, các chuyên gia nói rõ.

Nếu bác sĩ cho biết bạn đang có mức cholesterol cao thì nên cắt giảm lượng đường đưa vào cơ thể, đây là sự thay đổi tốt và hiệu quả.

6 – Cảm giác mệt mỏi sau khi tập luyện

Nếu hấp thu quá nhiều đường, bạn sẽ không thể tập luyện với cường độ cao. Nếu mức đường huyết tăng lên cao do hấp thu thực phẩm nhiều đường thì bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và kiệt sức sau khi tập luyện.

Bổ sung đường quá nhanh vào cơ thể sẽ làm mức đường huyết tăng vọt lên rồi rơi xuống rất nhanh, có thể làm bạn tuột năng lượng khi đang luyện tập.

7 – Hay cảm thấy buồn bã

Nhiều nghiên cứu gợi ý mối liên hệ giữa hấp thu đường và nguy cơ suy nhược tinh thần. Chế độ ăn có hàm lượng đường cao sẽ làm tăng mức viêm nhiễm trong cơ thể, làm tăng mức suy nhược tinh thần.

Trái lại, chế độ ăn giàu các loại ngũ cốc nguyên hạt giúp làm giảm mức độ suy nhược tinh thần một cách hiệu quả.

8 – Không bao giờ cảm thấy no

Các thực phẩm có hàm lượng đường cao nhưng chứa ít protein, chất xơ và các dưỡng chất khác luôn làm cho bạn có cảm giác đói.

Đức Hòa
(theo Reader’s Digest)

Nguồn: Giác Ngộ

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc